Nở rộ dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới online
- Nóng dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng xã hội
- Dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại nhiều điểm lễ hội vẫn sôi động
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền mới nhỏ lẻ lại hoạt động rầm rộ nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân chưa chịu từ bỏ thói quen dùng tiền lẻ đi đền, chùa. Dù phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mạnh tay thực hiện chủ trương không in mới tiền lẻ, cũng như có chế tài xử phạt nặng, nhưng tình trạng đổi tiền ăn chênh lệch vẫn chưa giảm.
Đổi tiền lẻ trôi nổi trên mạng dễ gặp rủi ro. |
Nếu như trước đây, việc đổi tiền được thực hiện một cách công khai với hàng mẹt tiền lẻ được bày bán tại nhiều điểm giao dịch, đặc biệt tập trung tại các cổng đền, chùa, thì từ khi có quy định siết chặt, việc đổi tiền mặt công khai theo hình thức này đã giảm hẳn. Tuy nhiên, thay vì mời chào trực tiếp, việc đổi tiền đã rút vào hoạt động kín đáo hơn, trong đó việc chào bán trên các trang web được tận dụng triệt để.
Chỉ cần seach google cụm từ đổi tiền lẻ, thì chưa đầy 1 giây, có tới gần 60 triệu kết quả hiện lên cho người dùng thỏa sức lựa chọn, với hàng loạt tên miền như doitienlegiare.net, doitienmoi.vn, doitien.net, doitien.org… Chỉ cần bấm số điện thoại, khách hàng sẽ được “phục vụ tận răng” với bất kỳ nhu cầu, mệnh giá nào.
Tùy vào mệnh giá, tiền càng nhỏ, phí đổi sẽ càng cao. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng phí khoảng 15%; 2.000 và 5.000 đồng dao động 10% – 12%; 10.000- 20.000 đồng dao động 8% - 10%; 20.000 đồng 7% - 8%; 100.000 đồng 4% - 6%...
Ngoài đổi tiền lẻ, các địa chỉ này còn có dịch vụ đổi tiền ngoại tệ, phổ biến nhất là đồng mệnh giá 2 USD mới với mức giá dao động từ 52.000 – 55.000 đồng/tờ. Thậm chí đồng USD in hình trâu vàng còn có giá lên tới 220.000 - 300.000 đồng/tờ…
Điều đáng nói là trong hàng chục triệu kết quả về đổi tiền lẻ trên công cụ tìm kiếm google, bên cạnh những trang web đổi tiền cũng có hàng trăm nghìn kết quả cho ra các bài viết thông tin việc đổi tiền lẻ là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị phạt. Tuy nhiên, với lợi nhuận cao, lại núp bóng công nghệ, những kẻ đổi tiền vẫn công khai hoạt động.
Đã gần chục năm nay, NHNN khẳng định không in tiền lẻ mới dịp Tết Nguyên đán để tránh lãng phí, đồng thời nhằm thay đổi thói quen dùng tiền lẻ đi đền chùa của người dân nhưng dường như không đạt được nhiều hiệu quả.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm nay NHNN vẫn siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Ông Tú thông tin, việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp Tết Nguyên đán các năm qua đã giúp ngân sách tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng.
“Người dân đi lễ đền chùa đầu năm không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc. Một tờ tiền mệnh giá 500đ, công in ấn hết 1.500đ. Điều này không những gây lãng phí mà nạn “rải” tiền lẻ khi đi lễ ở đình, chùa; nạn đặt tiền lên tay tượng; nạn nhét tiền lên gốc cây... đã làm rẻ rúng đồng tiền quốc gia, làm mất đi tính tôn nghiêm nơi thờ tự”, ông Tú nói và cho biết thêm: NHNN không in thêm tiền mới, nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng tiền mặt trong lưu thông.
Để làm triệt để vấn đề này, tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.
Cụ thể, tại điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88).
Và mới đây, Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ thừa lệnh Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị, trong đó nêu rõ: từ năm 2021, Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in (cả dịp Tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.
Chính vì NHNN siết chặt, nên năm nay, lượng tiền mặt nhỏ lẻ mới khá khan hiếm, việc đổi tại các ngân hàng gần như không có, nên các đối tượng đổi tiền lại càng có cơ hội “đục nước béo cò”. Tuy nhiên, bên cạnh lý do nói trên, năm nay, lượng tiền lẻ nói chung, tiền mặt nói riêng cũng không tăng đột biến trong lưu thông như các năm trước do nhu cầu tiêu dùng bằng tiền mặt đã giảm khá nhiều so với mọi năm.
“Thường thường mọi năm nhu cầu tiền mặt cuối năm tăng đột biến. Nhưng năm nay, đại dịch COVID-19 khiến các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tăng trưởng rất mạnh, người dân các thành phố cũng quen dần với hình thức thanh toán này. Vì thế, nhu cầu tiền mặt có tăng so với bình thường nhưng Tết năm nay sẽ không cao như mọi năm. Ví dụ mọi năm, dịp Tết chúng tôi rút tiền mặt tăng gấp 4 so với ngày thường nhưng năm nay, dự kiến chỉ tăng khoảng gấp đôi thôi” – lãnh đạo Trung tâm tiền mặt của một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết.
Quay trở lại với việc đổi tiền mới mệnh giá nhỏ trên mạng, nhiều chuyên gia cho biết việc đổi tiền lẻ theo hình thức này rủi ro rất cao. Đã có những trường hợp khách hàng bị lừa bởi các chiêu trò như đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả. Tuy nhiên, hầu hết số tiền của từng cá nhân bị thiệt hại không lớn, hơn nữa, vì đã trót “tiếp tay cho hành vi vi phạm”, nên nhiều người phải chấp nhận ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám tố cáo.
Chuyên gia tài chính– ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng, bởi nếu mua bán tiền trôi nổi sẽ dễ bị lừa, mua phải tiền giả hoặc thiếu tiền. Để ngăn chặn việc này, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.