Dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại nhiều điểm lễ hội vẫn sôi động

Thứ Năm, 21/02/2019, 09:41
Mặc dù đã có quy định cấm, thế nhưng tình trạng các “đầu nậu” cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch với giá cao vẫn diễn ra bát nháo tại nhiều điểm lễ hội, đền chùa dịp đầu năm. Với mức hưởng chênh từ 20- 30%, thậm chí là hơn, nhiều “đầu nậu” đã đút túi một khoản tiền không nhỏ từ loại hình kinh doanh mà pháp luật đã cấm này.

Ngày 28-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, theo đó chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương: tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt không đúng quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, chính những thói quen của một bộ phận người dân hiện nay đã khiến “thị trường” kinh doanh, thu, đổi tiền lẻ tồn tại. Để né lực lượng chức năng, những “đầu nậu” hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này đã sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi.

Sáng 19-2, khi chúng tôi vừa đặt chân lên khu vực gần bến đò suối Yến – gần đền Trình (Khu di tích Chùa Hương – huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chúng tôi giật mình trước cảnh một người phụ nữ đầu đội mũ lưỡi chai, tay xách theo một chiếc túi ni lông màu đen. Thì ra đây chính là một trong những “đầu nậu” chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ ở khu vực này. Toàn bộ số tiền lẻ đóng thành từng tệp, cọc được giấu kín trong chiếc túi ni lông màu đen trá hình.

Khi khách hàng gật đầu, người phụ nữ này mới mở túi ni lông ra cho xem tiền. Mức giá chênh lệch của chị đưa ra là “10 ăn 8” cho loại tiền mệnh giá 1.000đ và “10 ăn 7” cho loại tiền có mệnh giá 2.000đ và 5.000đ. Việc công khai mời chào đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch với mức giá cao ở đây diễn ra khá bát nháo bất chấp tại các điểm dẫn vào khu vực đền Trình, Ban Tổ chức lễ hội đã đặt biển “cấm đổi tiền lẻ”.

Có thể thấy rằng, tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tiền mới chưa qua sử dụng đã và đang trở thành “phương tiện” để nhiều “đầu nậu” sử dụng để kinh doanh, phá giá tiền tệ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên. Còn khách hành hương xin đừng tiếp tay cho loại hình dịch vụ này.

Trần Huy
.
.
.