Những rào cản với xuất khẩu lao động trình độ cao

Thứ Năm, 23/02/2017, 08:43
Ý tưởng của Bộ LĐ-TB&XH về việc đưa hàng nghìn thạc sỹ, cử nhân đang thất nghiệp trong nước đi xuất khẩu lao động rất hay tuy nhiên có rất nhiều rào cản để biến nó thành hiện thực.

Con số 200 nghìn thạc sĩ, cử nhân đang thất nghiệp cho thấy thị trường lao động Việt Nam hiện đang dư thừa một lượng lao động có trình độ cao.

Thế nhưng câu chuyện đưa số lao động này ra nước ngoài làm việc theo Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017- 2020 và định hướng đến năm 2025” sang làm việc tại một số nước như: Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia... của Bộ LĐ-TB&XH đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn.

Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đơn vị này đang được Bộ LĐ- TB&XH giao xây dựng đề án, nhưng đến nay đề án mới chỉ đang trong giai đoạn “trứng nước” và chưa có thông tin cụ thể. Dù được xây dựng thế nào, thì thông tin về việc xuất khẩu lao động trình độ cao này, theo các doanh nghiệp chuyên đưa lao động ra nước ngoài làm việc cũng khó khả thi.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và thương mại Hàng không (Airseco), đơn vị chuyên đưa tu nghiệp sinh sang Nhật đánh giá, lao động Việt Nam có kỹ năng trong xử lý công việc khá tốt, nhưng ngoại ngữ lại kém nên không cạnh tranh được với lao động Thái Lan, Philippines, Trung Quốc.

Ông Vui kể câu chuyện thực tế đã có trường hợp tốt nghiệp ĐH Ngoại thương nhưng khi sang Nhật vẫn phải học tiếng thêm 2 năm mới làm việc được.

“Tôi cho rằng, ý tưởng của Bộ LĐ-TB&XH là rất hay nếu thực hiện được, thế nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là ngoại ngữ của lao động Việt Nam. Đào tạo ngoại ngữ cho người lao động cần được đặc biệt chú trọng. Nếu không có ngoại ngữ tốt thì lao động Việt Nam khó cạnh tranh được với lao động các nước”, ông Vui cho biết.

Hiện Việt Nam mỗi năm mới chỉ đưa được vài trăm lao động trình độ cao là điều dưỡng viên sang CHLB Đức và Nhật Bản.

Đồng quan điểm về rào cản ngoại ngữ, theo ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA), để đưa được lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, hiện nay SONA đang phải rất chú trọng vào đào tạo ngoại ngữ.

“Chúng tôi hiện đang đưa lao động sang làm việc tại nhà máy ôtô Nissan và điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản. Thế nhưng để đưa được lao động đi đều phải đào tạo rất kỹ càng về ngoại ngữ cũng như một số kỹ năng theo yêu cầu của bên sử dụng lao động. Không phải lao động nào cũng có thể đáp ứng được”, ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) thì cho rằng, đề án này sẽ không dễ thực hiện. Theo ông Tân thì hiện nay khả năng đáp ứng về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chưa cao.

Ông Tân phân tích, hiện nay, xuất khẩu lao động của Việt Nam đi các thị trường trên khắp thế giới đâu đâu cũng chỉ thấy lao động phổ thông. Lác đác mới có một số thị trường đưa được lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, kể cả lao động có trình độ thì sang nước ngoài vẫn phải đào tạo lại.

Mỗi năm, số lượng điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản, Đức chỉ khoảng 300-400 người. Số lao động có trình độ cao, có chứng chỉ quốc tế làm việc ở các công ty nước ngoài cũng rất ít. Vậy thì làm thế nào để đưa được nhóm lao động có trình độ chuyên môn đi làm việc ở nước ngoài?

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng, khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế, chúng ta không thể nói chúng ta có gì mà phải xem thị trường đó cần gì. Nếu chỉ dựa vào con số 200.000 cử nhân đại học, cao đẳng đang dư thừa ở Việt Nam, khó có thể khẳng định, sẽ xuất khẩu được nguồn lao động chất lượng cao.

Có ý kiến cho rằng, 200.000 cử nhân đang thất nghiệp là con số rất lớn, song không phải bằng cấp luôn tỷ lệ thuận với trình độ chuyên môn, do đó để sàng lọc được những người có năng lực nằm trong số lao động có “chất xám” đáp ứng được yêu cầu của thị trường tuyển dụng nước ngoài lại là câu chuyện khác.

Theo PGS-TS Hà Huy Thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để thực hiện được đề án thì phải có một lộ trình đánh giá toàn diện, khảo sát, phân nhóm cử nhân theo từng lĩnh vực được đào tạo, ví dụ: nhóm cử nhân khoa học kỹ thuật, nhóm cử nhân khoa học công nghệ hay nhóm cử nhân khoa học xã hội nhân văn.

Nhóm cử nhân khoa học nhân văn là một trong những nhóm lĩnh vực khó có được việc làm do sự khác biệt rất lớn về văn hóa, xã hội giữa Việt Nam với các nước.

Theo một đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước trả lời báo chí thì qua tìm hiểu, một số thị trường như Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Séc, Israel… đang cần tuyển lao động trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, bản thân thị trường đó chỉ cần lao động ở một số chuyên ngành như: Điều dưỡng, kỹ thuật, cơ khí, xây dựng… không có nhu cầu lao động ở các chuyên ngành nghiên cứu, xã hội học.

Băn khoăn về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng, nếu được triển khai thì đây là một tín hiệu lạc quan cho thị trường lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ nhu cầu của thị trường xem họ cần cái gì, mình có đáp ứng được không?

“Hiện chúng ta chưa có thống kê chính thức nào về việc các cử nhân CĐ, ĐH của chúng ta thuộc ngành đào tạo nào, nhưng nhìn chung qua theo dõi thì thấy số này chủ yếu rơi vào nhóm cử nhân chuyên ngành xã hội. Nhóm lao động có chuyên môn kỹ thuật cao thuộc nhóm ngành tự nhiên, kỹ thuật rất ít. Đây là vấn đề cần được khảo sát, đánh giá cụ thể”, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.