Nhiều cách tuồn hàng lậu vào nội địa

Thứ Tư, 18/07/2018, 09:24
Gần 2 tỷ là số tiền tang vật gồm điện thoại di động và iPad nhập lậu vận chuyển trên ôtô khách được Đội kiểm soát hàng hóa, Trạm Kiểm soát km15 – Bến tàu Dân Tiến (TP Móng Cái, Quảng Ninh) phát hiện thu giữ ngày 12-7. 

Không ồ ạt như những tháng cuối năm, buôn lậu và gian lân thương mại từ biên giới Quảng Ninh vào nội địa trong 7 tháng đầu năm vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

Có mặt trên tuyến giao thông từ Móng Cái về TP Hạ Long chúng tôi chứng kiến phương tiện từ biên giới về nội địa không nhiều như vài năm trước. Nhưng thủ đoạn buôn lậu thì tinh vi hơn. Tại Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 – Bến tầu Dân Tiến mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ôtô từ Móng Cái về nội địa phải dừng lại đây để kiểm tra.

Thường hàng lậu được giấu trong hành lý của khách hoặc trong các vách ngăn, hầm tự tạo của xe. Hàng lậu ngụy trang rất tài tình, có khi mở hành lý ra nhưng không phát hiện do được bọc ở trong lõi hoặc ngụy trang bằng hàng hóa khác.

Ngày 12-7, khi xe ôtô khách 16 chỗ BKS 29B - 612.55 lưu thông hướng Móng Cái - Hạ Long qua trạm kiểm soát dừng lại kiểm tra, ban đầu không có dấu hiệu nghi vấn. Tuy nhiên khi kiểm tra hành lý của hành khách trên xe thì có một số khách có biểu hiện không bình thường.

Hải quan Quảng Ninh thu giữ 58 nghìn bao thuốc lá nhập lậu.

Nhất là khi nhấc một số vali và túi xách thấy rất nặng, cộng với biểu hiện lạ của mấy người khách, thì nghi vấn ngày càng rõ.

Những vali và túi xách này là của 4 khách đi trên xe, nhưng khi yêu cầu mở ra để kiểm tra thì họ chần chừ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác định bên trong giấu hàng hóa, tổ công tác đã mở các vali và túi xách thì phát hiện bên trong giấu 600 chiếc điện thoại di động các loại và 26 máy tính bảng Ipad trái phép, tổng giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng.

Đấu tranh với 4 hành khách, họ khai nhận được thuê vận chuyển số điện thoại di động và máy tính bảng cho một người phụ nữ tên Ly (không rõ địa chỉ, họ tên) từ Móng Cái về Hà Nội để lấy tiền công. Tại thời điểm kiểm tra, cả 4 hành khách không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số điện thoại và máy tính bảng trên.

Đây là vụ vận chuyển điện thoại di động và máy tính bảng nhập lậu lớn nhất bị bắt giữ từ đầu năm đến nay tại Quảng Ninh. Phương thức vận chuyển khá táo bạo, giả làm hành khách đi xe, để điện thoại trong vali rồi ngụy trang quần áo bên trên.

Tình trạng nhập lậu điện thoại di động qua biên giới Móng Cái vào nội địa được phát hiện nhiều từ đầu năm đến nay. Hầu hết các vụ việc bị phát hiện đều chủ yếu là trên tuyến giao thông, giấu trong các thùng hàng hoặc ngăn hàng tự tạo, vách ngăn của xe ôtô.

Vào ngày 15-4, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh phát hiện trên xe ôtô BKS 14B – 00882 vận chuyển 158 chiếc Ipad và 96 chiếc điện thoại di động nhập lậu, ước tính khoảng 300 triệu đồng.

Tài xế Nguyễn Minh Khang (trú tại Trà Cổ, Móng Cái) khai nhận mình chỉ là người vận chuyển thuê, không rõ chủ hàng. Trước đó, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) qua kiểm tra xe ôtô BKS-14A – 122.33 phát hiện 248 chiếc điện thoại di động các loại, trị giá hơn 630 triệu đồng được giấu trong hộp đựng ở ngăn tự tạo của xe.

Ngoài hàng điện tử nhập lậu thì một số mặt hàng cấm ngụy trang trong các phương tiện giao thông cũng bị phát hiện. Điển hình là Đội Kiểm soát Hải quan số 1 phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) và Công an tỉnh Quảng Ninh, Hạt Kiểm lâm và Công an TP Móng Cái bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 316kg vẩy tê tê, ước tính 452 triệu đồng.

Đặc biệt nổi lên vi phạm về việc bán hàng không có nhãn gốc, chỉ có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhằm lừa dối khách nước ngoài về xuất xứ hàng hóa. Đồng thời có dấu hiệu gia tăng việc sử dụng máy POS (thanh toán thẻ) của Trung Quốc không có kết nối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam để thanh toán tiền hàng.

Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý 3 cửa hàng phục vụ khách du lịch tại TP Hạ Long, phạt tiền 165 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn gốc. Đội QLTT số 5 phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh kiểm tra ki ốt A114, phường Bãi Cháy, tạm giữ 3 máy POS và 177,6kg dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo ông Phạm Trung Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thì ngay từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo 389 đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các kho, điểm tập kết trên địa bàn các huyện biên giới như Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái.

Đối với các kho xây dựng trái phép chứa hàng nhập lậu, đề nghị chính quyền địa phương tổ chức lực lượng tháo dỡ, nếu không tự giác chấp hành thì tổ chức cưỡng chế, kiên quyết xóa bỏ. Đối với kho được phép xây dựng, nếu có thông tin trữ hàng nhập lậu thì đề nghị lực lượng chức năng báo cáo chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đề xuất rút giấy phép xây dựng.

Nhờ những giải pháp quyết liệt mà trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại Quảng Ninh giảm hơn so với cùng kỳ năm 2017 (bắt giữ và xử lý 1082 vụ/1.068 đối tượng, giảm 31% về số vụ); khởi tố 34 vụ/35 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý hành chính 1.178 vụ, bán hàng hóa tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 18,48 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo đánh giá thì trong 6 tháng đầu năm, buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. 

Vì vậy, thiết nghĩ công tác chống buôn lậu, gian lận ở Quảng Ninh cần đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở khu vực biên giới để người dân không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép.

Trần Hằng
.
.
.