Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP
- CPTPP và "sức hút" của Việt Nam
- Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết
- Nhật Bản khiến CPTPP không chết yểu!
Tổng cục Hải quan cho biết, hết tháng 2-2018, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 14,3% so với cùng kỳ 2017. Các mặt hàng XK chính đều có sự tăng trưởng khá là dệt may đạt 537 triệu USD; phương tiện vận tải đạt 365,2 triệu USD; máy móc thiết bị gần 259 triệu USD…
Ở lĩnh vực nhập khẩu (XK), hết tháng 2, cả nước chi 2,705 tỷ USD nhập khẩu hàng từ Nhật Bản, tăng gần 17% so với 2 tháng đầu năm 2017. Mặt hàng NK chính là máy móc, thiết bị với kim ngạch 675 triệu USD; kế đến là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 392 triệu USD; sắt thép hơn 203 triệu USD… Như vậy, hết tháng 2 nước ta bị thâm hụt thương mại nhẹ (khoảng 5 triệu USD) từ Nhật Bản.
Ngay sau khi CPTPP được ký kết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một báo cáo về những lợi ích kinh tế và thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. WB cũng đưa ra đánh giá lạc quan khi cho rằng, Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập.
Ngoài ra, WB cũng dự báo CPTPP giúp tăng trưởng đầu tư nước ngoài và kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động tại Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, CPTPP có khả năng thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại…