Nhập khẩu lợn sống, giá thịt lợn có “hạ nhiệt”?

Thứ Sáu, 12/06/2020, 06:10
Chiều 11-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn gửi Cục Thú y, đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12-6-2020.

Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm theo các quy định hiện hành, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn lợn. Cục trưởng Cục Thú y chịu trách nhiệm tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT nêu rõ, sau khi đạt được các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 178/TB-KL và dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay, Cục Thú y Việt Nam đã cấp phép xuất khẩu lợn sống cho 8 doanh nghiệp của Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam nếu có nhu cầu sẽ làm việc với Cục Thú y và nhập khẩu lợn từ 8 doanh nghiệp này đều đảm bảo yêu cầu.

Dù đã qua 7 lần chủ trương giảm nhưng giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao “ngất ngưởng”.

Ngoài ra, để nhanh chóng cung cấp thịt lợn ra thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ minh bạch tất cả các thủ tục, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống được đưa lợn vào giết mổ một cách nhanh nhất. Cụ thể, lợn sống nhập khẩu về Việt Nam, sau khi kiểm dịch cho kết quả âm tính với các loại dịch bệnh sau ít nhất 5 ngày sẽ được đưa vào giết mổ. Bộ NN&PTNT không hạn chế về số lượng lợn sống nhập khẩu, tùy thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp, Bộ chỉ kiểm soát về mặt dịch tễ để đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong nước.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, khảo sát cho thấy, giá thịt lợn ở Thái Lan thấp hơn giá trong nước, bởi vậy, việc nhập khẩu về đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng. Báo cáo từ các địa phương cho thấy, đến nay tổng đàn lợn cả nước đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% năm 2018, thời cao điểm về số lượng đàn lợn.

Liên quan số lượng lợn hơi dự kiến nhập khẩu vào Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Bộ NN&PTNT thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đảm bảo lợi ích của cả 3 nhóm đối tượng: Người tiêu dùng, người chăn nuôi và người phân phối. Chắc chắn giá lợn trong thời gian tới sẽ giảm mạnh. Bộ NN&PTNT phải đảm bảo các lợi ích hài hòa: Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn nuôi trong nước; thứ hai, không để giá quá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi trong nước; thứ ba, đảm bảo để người tiêu dùng được ăn thịt lợn với giá hợp lý".

Tuy nhiên, về khả năng mức giá thịt lợn có giảm về mức 70.000 đồng/kg, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó vấn về chính là người chăn nuôi phải rà soát lại các khâu để giảm được giá thành chăn nuôi lợn.

Chi Linh
.
.
.