Ngăn chặn kinh doanh hàng hóa vi phạm từ các website

Thứ Bảy, 02/11/2019, 07:27
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25% - 30%/năm. Năm 2018, tổng doanh thu bán lẻ TMĐT (B2C) đạt trên 8 tỷ USD, với khoảng 1/3 dân số tham gia mua sắm trực tuyến.


Không thể phủ nhận vai trò của TMĐT trong việc giúp người tiêu dùng (NTD) dễ dàng tiếp cận sản phẩm, rút ngắn thời gian mua sắm, tiết kiệm chi phí đi lại, thuận tiện trong giao dịch và được hưởng nhiều tiện ích...

Tuy nhiên, hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho NTD đã xảy ra ngày càng phổ biến. Nhằm ngăn chặn hành vi này, Bộ Công thương đã triển khai “chiến dịch” kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên các website từ nay đến hết năm 2020.

Kinh doanh online tại Việt Nam có nhiều hình thức: Kinh doanh trên các trang mạng xã hội (Facebook, zalo, youtube...) do các tổ chức, cá nhân tự đăng lên bán; kinh doanh qua sàn TMĐT (hàng hóa của các thương nhân đăng lên bán thông qua sàn TMĐT) và kinh doanh hàng hóa trên các website.

Thực tế cho thấy, hàng hóa đăng bán trên các trang mạng xã hội gần như bị buông lỏng. Tại các sàn TMĐT, theo quy định thì chủ sàn TMĐT khi tiếp nhận thông tin đăng tải để bán hàng phải kiểm tra, xét duyệt kỹ.

Nếu phát hiện có bán hàng lậu, hàng giả, thì sẽ bị xử lý. Tương tự, nhiều website bán hàng vi phạm, Bộ Công Thương đã công khai tên website, thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website vi phạm, nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, nhái, gian lận thương mại trên các website, sàn TMĐT vẫn xảy ra phổ biến.

Cán bộ Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa tại các điểm kinh doanh.

Như tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra 3 website gồm: website Shopnhatchaly.com (có địa chỉ tại 220GH, hẻm 220 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1) do ông Phạm Ngọc Đăng làm chủ, phát hiện 117 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu (do Nhật sản xuất), đã ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh sản phẩm nhập lậu; Kiểm tra website ruouthuonghieu.com (tại địa chỉ 31C Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thuộc Công ty TNHH một thành viên Cái Thùng Gỗ) do ông Viêng Xay Liêm Smon làm Giám đốc, công ty này kinh doanh hàng hoá có điều kiện, nhưng vi phạm là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, bị phạt 15 triệu đồng đối với hành vi trên; Kiểm tra website ruoungoai.net (tại địa chỉ 295B đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) thuộc Công ty TNHH Thương mại Rượu Ngoại.Net, do ông Đặng Thanh Quang làm Giám đốc, phạt đơn vị này 12 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, gồm: 12 chai rượu vang hiệu Finca Las Moras 13.5% do Argentina sản xuất, 12 chai rượu vang hiệu La Roca 13.5% do Chile sản xuất.

Ngoài ra, mỗi website trên còn bị phạt 30 triệu đồng về hành vi thiết lập website TMĐT bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Ngoài 3 website đã bị xử lý trên, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn 17 website khác kinh doanh các sản phẩm: thực phẩm chức năng, bánh kẹo, đồng hồ, rượu, đồ chơi kích dục… cũng đã vào “tầm ngắm”, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) để kiểm tra, xử lý.

Tương tự, Cục TMĐT và KTS cũng đã nhận được phản ánh về việc một số website TMĐT bán các thiết bị để lắp ráp súng và vũ khí dưới dạng đồ chơi. Khi lắp ráp hoàn chỉnh, những loại súng đồ chơi này dùng để bắn đạn bằng bi sắt hoặc bằng khí nén CO2 có thể gây sát thương; vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, côn, cung, nỏ, phi tiêu,…

Về vấn đề này, Cục TMĐT và KTS đề nghị thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng sàn giao dịch TMĐT rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng sàn giao dịch TMĐT các sản phẩm như đã phản ánh. Đồng thời, triển khai các biện pháp kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm.

Ngoài ra, Cục TMĐT và KTS cũng yêu cầu hàng hóa khi đưa lên bán tại các website, sàn TMĐT phải có đầy đủ thông tin sản phẩm, đặc biệt là xuất xứ sản phẩm, để tránh gây nhầm lẫn, đánh lừa NTD.

Nhận định về thị trường TMĐT, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hàng loạt website mua - bán hàng trực tuyến nhưng không thông báo với cơ quan chức năng theo quy định. Thậm chí nhiều trang web còn công khai bán hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và hỗ trợ tư vấn – Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho rằng: “Mặc dù biết các đối tượng bán hàng giả, nhái, trên TMĐT, nhưng khi cơ quan chức năng đến thì họ đã gỡ xuống rồi, đây là thách thức đối với cơ quan chức năng. Vì vậy, cuộc Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, bảo hộ và thực thi quyền SHTT”.

Theo các chuyên gia, năm 2019 là giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi căn bản phương thức phân phối, tiêu dùng, cách thức tổ chức làm việc của con người... và TMĐT sẽ dần thay thế cho thương mại truyền thống.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các đối tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại ... càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động hơn. Trước tình trạng hàng hóa vi phạm bán tràn lan trên TMĐT, nhằm chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT, đầu tháng 10-2019, Bộ Công Thương triển khai việc kiểm tra, kiểm soát bán hàng hóa trên các website, bước đầu tập trung vào các mặt hàng: Trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép.

Với những trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần, sẽ chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thúy Hà
.
.
.