Hàng loạt website không đăng ký, bán hàng giả

Thứ Ba, 27/08/2019, 07:18
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hàng loạt website mua - bán hàng trực tuyến nhưng không thông báo với cơ quan chức năng theo quy định. Thậm chí nhiều trang web còn công khai bán hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam...


Điển hình, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH BEFUL và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dương Minh (địa chỉ tại cao ốc đường Võ Văn Tần, phường 6, quận 3) và điểm chứa trữ hàng hóa tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức của Công ty TNHH BEFUL. 

Tại thời điểm kiểm tra, 2 công ty trên có thiết lập website trực tuyến với tên miền là “beful.vn” và “obagimedical.com.vn” để giới thiệu hàng hóa, có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng chưa thông báo với cơ quan chức năng theo quy định. 

Kiểm tra thực tế tại địa chỉ trên có 15.061 đơn vị sản phẩm là thực phẩm chức năng, sữa rửa mặt, nước hoa hồng, kem chống nắng, bao bì…, trong đó có 114 tuyp kem chống nắng hiệu Obagi, 85g/tuyp, made in USA đã hết hạn sử dụng từ tháng 1-2016. 

Kiểm tra tại điểm chứa trữ hàng hóa, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 612 thùng carton mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ngoại nhập, một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng. 

Toàn bộ số hàng hóa kiểm tra đều không hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ để làm rõ các hành vi vi phạm.

Người tiêu dùng mua hàng qua thương mại điện tử.

Tương tự, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 3 website: menshop 79.com, menshopfashion.com và Ladystore có dấu hiệu bán hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài. 

Lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng gần 1.300 sản phẩm gồm quần áo, giày dép, túi xách, ví da, thắt lưng, kính mắt… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuition, Hermers, Versace, Burberry… tất cả đều không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. 

Theo khẳng định của đại diện pháp luật các thương hiệu được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, các sản phẩm được bán trên các website trên đều là hàng giả.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới đã làm thay đổi căn bản phương thức phân phối, tiêu dùng, cách thức tổ chức làm việc của con người... và thương mại điện tử (TMĐT) sẽ dần thay thế cho thương mại truyền thống. 

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các đối tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại... càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động hơn. Việc mua bán xuyên biên giới thông qua mạng Internet dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm của mình. 

Mới đây, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục QLTT TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra hàng hóa bán trên sàn giao dịch TMĐT Lazada do công ty TNHH Recess thiết lập điều hành. 

Theo báo cáo và chứng từ do công ty TNHH Recess cung cấp kinh doanh thiết bị lắp ráp súng trên website www.lazadda.vn có 125 giao dịch được  các thành viên đăng ký trên Lazada mua thành công 69 loại sản phẩm với các nhà cung cấp từ Trung Quốc và Việt Nam. 

Trong đó, có 12 giao dịch do hai thương nhân đăng ký kinh doanh tại Bình Dương và Hà Nội thực hiện; 113 giao dịch do thương nhân tại Trung Quốc kinh doanh. 

Với các sản phẩm giao dịch thành công này, đoàn kiểm tra không thể xác định đặc tính kỹ thuật, công dụng của các sản phẩm mang tính chất nguy hiểm như thế nào, do không đủ chức năng xem xét, người bán cũng không cung cấp đầy đủ thông tin về đặc tính chi tiết sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm không xác định được. 

Đồng thời, Ban quản lý website www.lazada.vn đã xóa khỏi website tất cả các thông tin của các sản phẩm này. 

Đoàn kiểm tra ghi nhận, công ty Recess và các thương nhân trên sàn giao dịch TMĐT có dấu hiệu vi phạm một số quy định trong hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trên website, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, các hình thức gian lận thương mại được phát hiện trong thời gian qua với nhiều hình thức khác nhau đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, uy tín của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 39.524 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 202,044 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 130 tỷ đồng và trị giá hàng tiêu hủy trên 54 tỷ đồng. Tổng cục QLTT đã chuyển 22 vụ việc sang cơ quan Công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định. 

Ông Trần Hữu Linh cho biết, thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành để phòng chống, ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, lậu, kém chất lượng… Đồng thời, lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.

T.Hà – N.Cẩm
.
.
.