Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả xâm nhập địa bàn Cố đô Huế

Thứ Ba, 25/12/2018, 08:55
Thời điểm chuẩn bị đón năm mới 2019 và giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng qua vùng đất Cố đô Huế có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.


Do đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các đơn vị phòng, ban, chuyên môn như Phòng CSGT, Phòng Cảnh sát kinh tế… tăng cường lực lượng tuần tra, bám sát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng lậu…

Mới đây, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt giữ ôtô tải BKS 51C-602.91 do Trương Văn Tuân (32 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) điều khiển chạy trên QL1A theo hướng Bắc-Nam, trên xe chở 10 kiện hàng quần áo, thiết bị điện tử trị giá hơn 150 triệu đồng, nhưng tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. 

Cán bộ Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra lô hàng lậu vận chuyển trên ôtô BKS 51C-602.91.
Trong quá trình làm việc với lực lượng Công an, Tuân còn có thái độ chống đối, không chấp hành. Ngay sau đó, toàn bộ số hàng lậu này đã bị lập biên bản thu giữ để xử lý. Lực lượng Trạm CSGT Phú Lộc làm nhiệm vụ tại Km 860 QL1A đoạn qua xã Lộc Điền cũng phát hiện xe khách giường nằm Châu Chinh BKS UN-5679 chạy tuyến Đà Nẵng đi Viêng Chăn, Lào chở theo 37 thùng xốp chứa nội tạng động vật (tổng trọng lượng 2,5 tấn) chưa qua kiểm dịch. 

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Đức Thịnh (39 tuổi, trú phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng nên CSGT lập biên bản và bàn giao toàn bộ số hàng hóa này cho cơ quan chức năng xử lý. 

Một vụ vận chuyển hàng lậu quy mô lớn cũng được Trạm CSGT Phú Lộc bắt giữ, đó là xe đầu kéo BKS 29c-184.91, do tài xế Kiều Văn Sương (trú Thường Tín, TP Hà Nội) điều khiển chở gần 1.000 đôi giày có nhãn hiệu Adidas, Nike, Gucci… 

Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc cho biết, thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao nên các đối tượng đã bất chấp thủ đoạn và quy định pháp luật để tổ chức vận chuyển hàng lậu, hàng giả đến nơi tiêu thụ. Nếu không bị chặn đứng kịp thời thì số hàng hóa này sẽ tuồn ra thị trường, gây nên sự xáo trộn giá cả. Vì thế, trong quá trình làm nhiệm vụ, CBCS đơn vị luôn kiên quyết xử lý các hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng giả.

Thống kê sơ bộ, trong năm 2018, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xử lý hành chính 131 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, qua đó nộp ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng. 

Qua đấu tranh với các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả cho thấy, những chiêu bài mà các đối tượng thường sử dụng là dùng hóa đơn chứng từ có giá trị thấp, kê khai sai giá bán nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, bọn chúng thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa, tổ chức vận chuyển hàng vào đêm khuya hòng tránh sự kiểm tra của lực lượng Công an. 

“Tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thường diễn biến phức tạp vào cuối năm nên Công an tỉnh đã tổ chức đồng loạt ra quân, phối hợp với lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh… tăng cường tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là tại khu vực cửa khẩu, biên giới; góp phần bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và giữ vững tình hình ANTT địa bàn”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.

Gia Lai tiêu huỷ hàng lậu, hàng giả trị giá 3 tỷ

Ngày 21-12, Hội đồng tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tỉnh Gia Lai đã tổ chức tiêu hủy các hàng hóa là hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như đồ nhựa, hàng điện, điện tử, phụ tùng honda, phụ tùng ôtô, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em. Tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy khoảng 3 tỷ đồng.  (L. Hiệp)

Anh Khoa
.
.
.