Chống hàng giả bắt đầu từ đâu?

Thứ Năm, 20/12/2018, 09:59
“Chống hàng giả và gian lận thương mại là hoạt động lâu dài và thường xuyên. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ chỉ một lực lượng nào đó thì không thể làm được”, ông Trương Văn Ba Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định.


Trong 9 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện 797 vụ vi phạm. Trong đó, tạm giữ 520.746 sản phẩm thời trang (quần áo, đồng hồ, túi xách...) và 8.892 đôi giày có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu ngoại nổi tiếng. Riêng từ đầu tháng 12 đến nay, đã có 15 vụ bị phát hiện, tạm giữ 1.682 quần áo, túi xách... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ngoại nổi tiếng. 

Đặc biệt, các loại sản phẩm có dấu hiệu giả mạo bị phát hiện, phần lớn bán tại các trung tâm thương mại (TTTM), chợ Bến Thành - một ngôi chợ lớn nằm trung tâm TP, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm...

Thực tế trên cho thấy, các sản phẩm hàng hiệu chính hãng, có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho 1 sản phẩm, nhưng tại các TTTM như Taka, Sài Gòn Square... các loại “hàng hiệu” giá rẻ bèo, chỉ vài trăm ngàn/sản phẩm. Mặc dù biết sự chênh lệch giá cả quá khác biệt, rõ ràng là hàng giả, nhưng các tín đồ hàng hiệu vẫn cứ săn lùng tìm mua. 

Mới đây, QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra cửa hàng ở đường Lê Thị Riêng (quận 1), chuyên kinh doanh đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, phát hiện nhiều đồng hồ nhãn hiệu Rolex, Hublot, Rado, Versace... có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hầu hết các sản phẩm đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Kiểm tra đồng loạt 20 quầy, sạp kinh doanh đồng hồ, mắt kính, bóp, ví... tại chợ Bến Thành, QLTT cũng tạm giữ 1.285 sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu ngoại nổi tiếng và 2.129 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ. Trong đó, nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, một số khác được tiểu thương mua lại từ chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh) về bán với giá chênh lệch hàng chục lần. 

Theo đánh giá của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh: “Hiện nay việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT ngày càng có dấu hiệu công khai, xem thường dư luận và các cơ quan có chức năng xử lý vi phạm”.

Một cán bộ QLTT cho biết: “Do hàng giả, xâm phạm SHTT thường rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, và đặc biệt linh động về giá cả, một số người mua nhầm lẫn do khó phân biệt giữa hàng giả và hàng thật. Một số khác thì thích đua chen hình thức bên ngoài, nhưng điều kiện kinh tế thấp, nên dù biết mình đang mua “hàng hiệu” giả, nhưng vẫn chấp nhận bởi phù hợp với túi tiền của họ. Đây là lý do khiến hàng giả có kênh tiêu thụ và còn tồn tại lâu dài”.

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, không có vùng cấm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Các bộ, ngành Trung ương cũng đã rất quyết tâm trong vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề này không giải quyết được tận gốc hàng lậu, và sản xuất hàng giả... Ngoài ra, lực lượng kiểm tra, kiểm soát vẫn còn quá mỏng. Như tại TP Hồ Chí Minh, một cán bộ QLTT phụ trách 3.000 DN. Như vậy, nhẩm tính chỉ cần đi tạt qua 1 DN (đi ngang ngõ chứ chưa vào), thì cán bộ QLTT đi 1 năm vẫn chưa hết số DN phụ trách.

Bà Phạm Thị Đào, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Mỹ phẩm Anh Đào cho rằng, đối tượng làm giả sản phẩm của Công ty Mỹ phẩm Anh Đào sẵn sàng đầu tư lớn hơn vào công nghệ, còn chế tài của cơ quan Nhà nước còn rất thấp, phát hiện hàng giả chỉ phạt 29 triệu đồng. Trong khi ở nước ngoài, đối tượng sản xuất hàng giả thì bị xử lý hình sự. 

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn khẳng định: “Mức phạt cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng trong khi đối tượng thu siêu lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Mức phạt này không đủ răn đe nên các đối tượng tái phạm, nạn hàng giả không thể đẩy lùi nếu không áp dụng xử lý hình sự”. 

Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống, TTTM và các tuyến đường kinh doanh. Các đối tượng bị kiểm tra, hầu hết là tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết không buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhưng do đây là nguồn thu nhập chủ yếu nên các hộ kinh doanh khó chuyển đổi ngành nghề. Trong khi đó, việc xử phạt còn nhẹ; sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã chưa đồng bộ; Ban Quản lý các chợ, TTTM, chưa quyết liệt, chưa chặt chẽ, dẫn đến hàng giả vẫn bán công khai.

Nói về những rào cản trong việc thực thi, xử lý vi phạm, ông Bách dẫn chứng: Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ có nội dung: Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên các văn bản như: Văn bản cam kết xác nhận hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu... của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. Văn bản ý kiến chuyên môn của cơ quan Nhà nước về sở hữu công nghiệp. Văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm, nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết luận vi phạm và quyết định xử lý vi phạm của mình. 

Trong khi đây là những tài liệu căn cứ kết luận vi phạm. Điều này tạo tâm lý e ngại cho lực lượng thực thi. Trở ngại khác, đó là nhiều loại hàng hóa chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định; hoặc có rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không có đại diện chủ sở hữu quyền tại Việt Nam nên không ai xác nhận là hàng giả. Chưa kể, nhiều DN khi có đề nghị phối hợp để xác định hàng giả lại e ngại, né tránh.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng để đẩy lùi và tiến tới ngăn chặn nạn hàng giả, xâm phạm SHTT thì cần cần xóa bỏ rào cản đối với lực lượng thực thi như sửa đổi, hoàn thiện một số điều luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, tăng hình thức xử phạt đối tượng vi phạm. 

Về phía DN, cần phối hợp với cơ quan thực thi khi phát hiện hàng giả. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT như sử dụng tem chống giả công nghệ cao, sử dụng mã hàng hóa để truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị thông minh... Đặc biệt, đối tượng quyết định có tiêu thụ hàng giả hay không đó là NTD, cần phải tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của họ. 

“Chống hàng giả và gian lận thương mại là hoạt động lâu dài và thường xuyên. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ chỉ một lực lượng nào đó thì không thể làm được”, ông Trương Văn Ba khẳng định.

Thúy Hà
.
.
.