Nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư từ EU

Thứ Hai, 15/07/2019, 09:29
Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA được ký kết cùng với Hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30-6 và hiện đang trong quá trình chờ Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên EU thông qua.


Hiệp định này được kỳ vọng sẽ là cú huých cho nền kinh tế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng của các quốc gia EU. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được cơ hội này thì Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) cần phải có sự chủ động để có thể vượt qua những thách thức khi mà hiệp định đi vào thực thi.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc ký kết EVIPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Việc ký kết EVIPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU. (Ảnh minh hoạ Internet).

Nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam khi ký kết EVIPA, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá, với việc ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi thế khi nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao từ các nước tiên tiến thuộc EU sẽ có điều kiện vào Việt Nam nhiều hơn, bên cạnh đó các DN Việt Nam cũng có thêm nhiều sự hiểu biết về môi trường đầu tư của các nước châu Âu để mở rộng đầu tư. 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA được ký kết và thông qua sẽ tác động tới dòng vốn từ EU, được đánh giá là sạch hơn, chất lượng hơn, công nghệ tiên tiến hơn, sẽ đổ vào Việt Nam.

Các DN FDI từ EU muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng giá trị, lợi thế của Việt Nam như nhân lực trẻ, nền kinh tế mở để xuất khẩu ngược trở lại, từ đó Việt Nam sẽ được nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư. Đây cũng là quá trình tái cơ cấu dòng vốn FDI theo hướng những dòng đầu tư Mỹ, Nhật, EU cần được khơi thông vì nó đi liền với nhiều công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.

Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành với những khó khăn, thách thức trong quá trình Hiệp định này được phê chuẩn, chính thức đi vào thực thi, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, chúng ta đã có quá trình chuẩn bị nhưng có vẻ như chúng ta chưa chuẩn bị tốt, chưa sẵn sàng.

Người châu Âu nói chung, DN châu Âu nói riêng rất coi trọng tính minh bạch. Châu Âu cũng là các quốc gia coi trọng pháp quyền, vì thế bất cứ vấn đề gì cũng thực hiện theo quy định của pháp luật, khác với cách xử lý “có lý, có tình” như ở Việt Nam. Điều này tạo sức ép lên Chính phủ, người dân, DN Việt Nam là phải làm theo quy định của Hiệp định đã được ký kết để tăng cường hội nhập tốt hơn với EU.

Để có thể nắm bắt những cơ hội từ EVIPA TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư như tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch…; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công…

Đặc biệt, nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt cơ hội từ EVFTA và EVIPA mang đến, biết liên kết để có đủ vốn, đủ kinh nghiệm quản trị và nắm bắt được xu thế thị trường quốc tế, tận dụng được các ưu đãi mà Chính phủ đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển, tự tin chủ động tìm ra các dự án phù hợp với doanh nghiệp của mình, thì các doanh nghiệp Việt sẽ thành công trong hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư EU.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, khi quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại với EU, chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, vì không được phép vi phạm bản quyền gây bất lợi cho DN châu Âu.

Đồng thời, DN Việt phải tìm con đường để tiếp cận, nắm bắt công nghệ tiên tiến để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ở phân khúc công nghệ cao. Nếu không làm được thì giá trị gia tăng mà DN Việt được hưởng lợi từ chuỗi giá trị là rất thấp và con đường tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN FDI của DN Việt càng khó khăn.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định như về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam... Để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh.

Theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, DN, trong đó có DN FDI.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Lưu Hiệp
.
.
.