Lạm phát tăng do áp lực điều chỉnh giá

Thứ Tư, 20/04/2016, 08:33
Đây là nhận định của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2016. Câu chuyện lạm phát tăng, tăng trưởng thấp trong bối cảnh ngân sách thâm hụt đang là thách thức của nền kinh tế trong những tháng tiếp theo.

Kinh tế quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2012 tới nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. GDP chỉ tăng 5,46% (yoy) trong quý I/2016, thấp hơn mức tăng 6,12% của cùng kỳ 2015. 

Trong khi khu vực dịch vụ vẫn diễn biến tích cực, đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, tăng trưởng dịch vụ ổn định ở mức 6,13% và đóng góp 2,48 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý I. 

Khu vực công nghiệp, trái lại, chỉ tăng 6,72% (yoy), mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây (tăng trưởng khu vực này các quý năm 2015 lần lượt đạt: 8,74%; 9,09%; 9,57%; và 9,64%). Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm ngư nghiệp đã suy giảm 1,23%, chủ yếu do giảm sản lượng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long và cây trồng vụ đông tại miền Bắc. 

Xét riêng ngành công nghiệp, các chỉ báo đều cho thấy những dấu hiệu chững lại rõ ràng. Chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu thụ và tồn kho đều thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2015. Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt trung bình 6,3% trong quý I, thấp hơn nhiều so với con số xấp xỉ 10% trong năm 2015. Tương tự, chỉ số tiêu thụ chỉ tăng ở mức một chữ số, thấp nhất kể từ quý III/2014 cho tới nay. Chỉ số PMI ba tháng đầu năm lần lượt đạt 51,5 – 50,3 – 50,7, tăng nhẹ so với quý IV/2015. Mặc dù vẫn trên ngưỡng 50 điểm, PMI quý I vẫn thấp hơn với mức trung bình 51-53 điểm trong giai đoạn 2014-2015.

Theo VEPR, không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016.

Tại báo cáo của mình, VEPR cho rằng lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong ba tháng đầu năm. Lạm phát toàn phần (yoy) đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% cuối quý. Mức tăng này phần lớn đến từ đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục đầu tháng ba. Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. 

Theo đó đến hết năm 2016, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cần tính đầy đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). 

“Theo tính toán, điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế khiến CPI tăng 1,27 điểm phần trăm trong tháng ba. Nhóm dịch vụ giáo dục đóng góp 0,66 điểm phần trăm do học phí tăng tại 6 tỉnh, thành theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. 

Trong khi đó, các mặt hàng còn lại đều trong chu kỳ giảm giá sau Tết, lạm phát cơ bản tiếp tục xu thế giảm từ tháng 11-2015 và đứng ở mức 1,64% (yoy) cuối quý I/2016. Điều này cho thấy rằng áp lực lạm phát trong năm 2016 sẽ đến nhiều từ nhóm các mặt hàng do nhà nước quản lý (dịch vụ y tế và giáo dục). 

Cần lưu ý rằng theo Thông tư số 37/2015/TTLT – BYT – BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính, lần điều chỉnh tiếp theo chỉ diễn ra vào đầu quý III/2016. Mặc dù vậy quá trình tăng học phí ở một số tỉnh có thể sẽ diễn ra, cùng với sự phục hồi của giá xăng dầu, sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát ngay trong quý II/2016”, báo cáo quan ngại.

Một vấn đề nữa, theo VEPR, đó là ngân sách tiếp tục thâm hụt lớn. Theo Báo cáo số 78/BC-CP do Chính phủ trình Quốc hội, ngân sách năm 2015 ước tính thâm hụt 6,34% GDP. Con số này thấp hơn so với mức ước tính 7% của VEPR trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV/2015. Mức thâm hụt 6,34%, dù vậy, vẫn rất lớn so với mức mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra. Đặc biệt, tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo. 

Theo báo cáo đánh giá bổ sung, thu ngân sách năm 2015 đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, vượt 15,9% so với dự toán và tăng 15,4% so với thu ngân sách năm 2014. Đáng chú ý, trong bối cảnh nguồn thu còn gặp nhiều khó khăn, xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Tổng chi NSNN đạt 1262,87 tỷ đồng, tăng 19,1% so với tổng chi năm 2014…

Khuyến nghị về chính sách, VEPR cho rằng kinh tế thế giới xuất hiện những diễn biến mới, nhưng không nằm ngoài dự báo, có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất là việc giá dầu và hàng hóa có dấu hiệu hồi phục, mặc dù ít có khả năng sẽ tăng nóng trong thời gian sắp tới. Điều này kết hợp với những yếu tố nội tại trong nước sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong giai đoạn còn lại của năm 2016. 

“Bên cạnh đó, tình hình tăng trưởng trong nước quý I không như kỳ vọng, động lực tăng trưởng chính từ khu vực công nghiệp không mạnh mẽ. Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng do xu hướng suy thoái chung của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều kiện cho tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn là tích cực trong năm 2016 nếu những cơ hội từ tự do hóa thương mại được tận dụng và cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, đặc biệt cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới”- báo cáo viết.

Nhóm P.V
.
.
.