Lại lo lãi suất cho vay tăng
- Đa dạng hóa sản phẩm cho vay tiêu dùng
- Xử lý nghiêm nếu phát hiện ngân hàng ngừng cho vay hỗ trợ nhà ở
- Khổ như cho vay nợ
Lãi suất cho vay sẽ lên 13%?
Bắt đầu từ ngày 24-2, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo mức cao nhất được áp tới 8%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ, đối với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, ở kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất huy động này được ghi nhận là cao nhất trong hệ thống các TCTD hiện nay, bỏ xa khác nhà băng khác, khi hầu hết các thành viên khác áp mức cao nhất chỉ khoảng 7,4-7,5%/năm.
Lãi suất huy động chỉ tăng ở kỳ dài hạn. |
Phá “kỷ lục” ngay sau đó, Ngân hàng Phương Đông (OCB) áp dụng mức lãi suất cao cũng phổ biến ở các kỳ hạn dài: kỳ hạn 13 và 21 tháng 7,7%/năm, kỳ hạn 24 tháng 7,8% và kỳ hạn 36 tháng lên tới 8%/năm. Đặc biệt, theo chính sách ưu đãi cho sản phẩm gửi tiết kiệm trực tuyến tại OCB, khách gửi tiền còn có thể nhận được mức cao nhất tới 8,1%/năm.
Ngoài ra, tại một nhà băng khác là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), biểu lãi suất huy động VND vừa niêm yết mới cũng đã xuất hiện mức 8%/năm, kèm điều kiện để được hưởng mức lãi cao nhất này, khách gửi phải đáp ứng các điều kiện ngân hàng đưa ra… Phân tích nguyên nhân của việc tăng lãi suất huy động, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại báo cáo công bố ngày 29-2 cho rằng các nhà băng nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.
Như vậy, sau hơn 2 năm, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng đã tái lập mức 8%/năm. Trước đó, vào cuối năm 2013, lãi suất huy động kỳ dài hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 8-9%/năm. Lúc này, lãi suất cho vay phổ biến trong khoảng 8-11,5%/năm kỳ hạn ngắn và 11,5-13%/năm trung dài hạn. So sánh ngang bằng với mức lãi suất 2016, dù các nhà băng ra “yêu sách” lãi suất “khủng” chỉ dành cho khách VIP, nhưng rõ ràng, câu chuyện “nước nổi, bèo nổi” là chắc chắn có. Lãi suất huy động tăng đồng nghĩa với chi phí ngân hàng tăng lên và lãi suất cho vay có thể sẽ lên 11 - 13,5%/năm.
Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là với đại đa số các doanh nghiệp đang cố gắng “vượt cạn” bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế tính toán tỷ suất lợi nhuận bình quân hiện nay của các ngành nghề khoảng từ 10 - 15%, nếu lãi vay dưới 8% là lý tưởng, 8-9% thì vẫn có thể “thở” được, còn nếu vọt lên 11-13,5% thì doanh nghiệp sẽ kiệt sức.
Nhiều áp lực tăng lãi suất
Từ cuối năm 2015 đến nay, câu chuyện tăng lãi suất huy động không còn mới, nhưng luôn mang tính thời sự bởi mức tăng ngày càng “nóng”, khiến cơ quan quản lý cao nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải lên tiếng. Tại Chỉ thị số 01, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD. Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định của NHNN về thu phí cho vay của TCTD đối với khách hàng…
Tuy nhiên, dù cố “ép” xuống, nhưng áp lực tăng lãi suất trên thị trường là có thật và chính NHNN cũng thừa nhận. Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: tính đến cuối tháng 2-2016, lãi suất cho vay của các TCTD hiện phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng, thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn. “Thứ nhất, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.
Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 – 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng. Thứ ba, việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn”, ông Dũng phân tích.
Bày tỏ nghi ngại lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay tăng các chuyên gia đến từ BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động cao hơn sớm muộn sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo dù có độ trễ nhất định. Tuy vậy, cũng cần chờ xem việc tăng lãi suất này có diễn ra trên diện rộng, taọ thành cuộc đua giữa các ngân hàng hay không? Nếu điều này không diễn ra, sẽ chưa phải quá lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại…