Hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Thứ Hai, 02/03/2020, 08:08
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ sớm được thực thi và đi vào cuộc sống. Hiện các Bộ, ngành đang tích cực phối hợp thực hiện và xây dựng các kế hoạch hành động, hoàn thiện khung khổ pháp luật, đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa... nhằm tận dụng tốt nhất những cơ hội mở ra, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu (XK) hàng hóa vào khối EU khi EVFTA có hiệu lực.


Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong trường hợp Quốc hội phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5, tháng 6 tới và Hội đồng châu Âu hoàn tất việc ký duyệt trong khoảng thời gian nói trên, EVFTA có khả năng có hiệu lực ngay trong tháng 7-2020.

Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được đưa vào hồ sơ trình Chính phủ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Trên cơ sở dự thảo này, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã dự thảo Kế hoạch thực hiện của Bộ Công Thương với các nhóm nhiệm vụ chính được chia thành 2 giai đoạn là năm 2020 và 2021 - 2025.

Để thực thi Hiệp định EVFTA, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi là gồm 2 luật, 1 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng với đó sẽ ban hành mới 4 nghị định. Tổng số các cam kết, nhóm cam kết đề nghị áp dụng trực tiếp là 12.

Để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

Các văn bản do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và ban hành gồm 1 nghị định của Chính phủ về hàng tân trang (dự kiến có hiệu lực sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực). Bộ Công Thương được giao xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định cơ quan đầu mối để thực thi EVFTA cũng như các chương của Hiệp định.

Nhìn nhận từ góc độ cải cách thể chế, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, cải cách thể chế mà chúng ta đang đề cập đã bao hàm trong đó cả cải cách thể chế pháp lý và thể chế kinh tế. Với các cam kết CPTPP và EVFTA, chúng ta hầu như chỉ phải thực hiện các cải cách thể chế pháp lý để nội luật hóa hay tổ chức thực hiện cam kết. 

Cải cách thể chế kinh tế, xoay quanh các yếu tố chính sách kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, chính sách phát triển ngành… luôn là vấn đề nội bộ của riêng chúng ta, không có FTA nào can thiệp vào cả. Vấn đề là các FTA như thế này sẽ tác động tới nhiều yếu tố kinh tế, từ cơ cấu ngành đến các chuyển dịch về vốn, lao động vào các khu vực có lợi thế từ các FTA.

Và để tận dụng được các cơ hội từ các FTA, thể chế kinh tế của chúng ta cũng phải chuyển động tương ứng, điều chỉnh các yếu tố kinh tế vĩ mô theo các cách thức thích hợp để đón đầu cơ hội, cũng để khắc phục các tác động chuyển hướng bất lợi.

Để đón đầu cơ hội từ hoạt động XNK, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, mấu chốt nhất trong hoạt động XNK vào EU là đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Hiện vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu và làm rõ thêm để tận dụng được tối đa các lợi thế của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam khi XK vào EU.

Về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA có điều khoản về cộng gộp đối với một số nước đã có FTA với EU, điển hình như Hàn Quốc. Ví dụ với mặt hàng dệt may, khi Hàn Quốc đã có FTA với EU, các nguyên phụ liệu của ngành dệt may NK từ Hàn Quốc được phép tính cộng gộp.

“Hiện nay, Cục đã chủ động trao đổi với phía Hàn Quốc, đang giải quyết ở cấp độ chuyên gia. Điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho cả Hàn Quốc. Ngoài ra, để khai thác bền vững được Hiệp định EVFTA, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Hiệp định về chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh là hết sức quan trọng”, ông Chinh nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.