Dệt may tận dụng cơ hội từ EVFTA

Thứ Sáu, 28/02/2020, 09:31
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm 42,5% dòng thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU. Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các lĩnh vực dệt may, giày dép, nông - thủy sản, đồ gỗ…

Riêng ngành dệt may sẽ được hưởng lợi trực tiếp 42,5%, chủ yếu là thuế đối với nguyên liệu dệt, phần còn lại là dòng thuế đối với sản phẩm dệt may cuối cùng sẽ giảm về 0% sau từ 3 - 7 năm thay cho mức khởi điểm 12%. Cách nào để ngành dệt may tận dụng cơ hội này?

Cần có chiến lược và sự đầu tư bài bản

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm 42,5% dòng thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU. Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Để có thể hưởng lợi tối đa từ các hiệp định EVFTA thì ngành Dệt May Việt Nam phải đầu tư thêm khâu dệt, nhuộm, hoàn tất để nâng dần tỷ lệ số lượng vải sản xuất trong nước thay thế vải nhập khẩu từ các nước ngoài hiệp định để thoả mãn quy tắc xuất xứ.

Dệt may Việt Nam nỗ lực tháo gỡ các “điểm nghẽn” về xuất xứ để tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều FTA khác là động cơ để thu hút đầu tư vào ngành dệt, nhuộm đảm bảo những điều kiện về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có chiến lược về nguồn cung cho dệt may, thúc đẩy lĩnh vực thiết kế phát triển, từng bước nâng giá trị của dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua xuất khẩu đi các thị trường trong Hiệp định EVFTA cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, dần dần các doanh nghiệp sẽ nhận ra tiềm năng của các thị trường này, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy các Hiệp định này là cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu. Khi đó, dệt may Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư, nhất là vào những mắt xích Việt Nam còn yếu. Từ đó, dần xây dựng được một hệ sinh thái dệt may, dần tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào, khi đó mới thực sự khẳng định Việt Nam hưởng lợi được từ những Hiệp định này hay không”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Tổng công ty May Đồng Nai (Donagamex) cho biết, tới đây, doanh nghiệp sẽ tìm nhà cung ứng từ các thị trường có FTA với EU để tận dụng ưu đãi của EVFTA; tăng liên kết với các nhà cung ứng vải thuộc Vinatex và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để chủ động nguồn vải. Các FTA đi vào thực thi, dù có những điều kiện nhất định, nhưng nếu thỏa mãn được các điều kiện đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội.

Trên thực tế, khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan với hàng xuất khẩu đáp ứng đúng tiêu chí sẽ giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng lên. Điều này buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng để tránh những rắc rối trong giao dịch thương mại. EVFTA cho phép nhà xuất khẩu (đáp ứng một số yêu cầu nhất định của EU) tự chứng nhận xuất xứ, nhưng sẽ tăng cường hậu kiểm sau thông quan.

Thời gian hậu kiểm có thể kéo dài đến 5 năm, thậm chí dài hơn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch thông tin, chuẩn bị hồ sơ, chứng từ rõ ràng và thống nhất; lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dù hàng hóa đã được thông quan.

Giải bài toán xuất xứ là giải pháp trọng yến

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu lợi ích mà Hiệp định mang lại.

Mặc dù xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2019, nhưng ngành dệt may phải chi cho nhập khẩu vải 13,5 tỷ USD. Nhập khẩu tới 80% vải nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, dệt may Việt Nam rõ ràng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh, hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v.

Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam(Vitas) cho rằng, EU có những yêu cầu cao, nghiêm ngặt về nguyên tắc xuất xứ, môi trường, lao động… với sản phẩm dệt may. Chỉ có tuân thủ quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, quản lý tốt việc lợi dụng xuất xứ, hàng Việt Nam mới có cơ hội lớn tại thị trường EU.

Do vậy, vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu để đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Đây sẽ là những trọng yếu trong chiến lược phát triển của dệt may Việt Nam thời gian tới. Năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 tỷ USD.

Lưu Hiệp
.
.
.