Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm đối phó rào cản thương mại
- Cách nào khơi thông xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc?
- Gỡ 3 “nút thắt” để phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam
- Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc
Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) nông sản, thực phẩm của Việt Nam hiện đang gặp khó khăn bởi các rào cản thuế quan, phi thuế quan. Điều này dẫn đến DN chưa tận dụng hết những ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Để hỗ trợ DN, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình, nhằm giúp DN Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, trong điều kiện ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác được ký kết và có hiệu lực, DN XK Việt Nam càng có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường XK và tăng cường lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế để phát triển XK một cách bền vững.
Để xuất khẩu, nông sản Việt phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. |
Bà Trịnh Thị Thu Huyền, Trưởng phòng, Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục XNK (Bộ Công thương) cho rằng, để các mặt hàng nông sản, thực phẩm tận dụng được ưu đãi thuế từ các FTA, hàng hóa của DN bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ (C/O).
Mỗi FTA khác nhau, có quy định khác nhau và quy tắc xuất xứ được coi như công cụ để vô hiệu hóa rào cản thuế quan. Tuy nhiên, DN cần phân biệt rõ giữa khái niệm hàng “Made in Việt Nam” và hàng có giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Bởi, thực tế có nhiều DN nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
Theo đó, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam là hàng hóa đó có giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng những ưu đãi về thuế quan hoặc phi thuế quan trong từng FTA. Giấy chứng nhận xuất xứ là chứng từ do các cơ quan, tổ chức cấp cho hàng hóa XK.
Còn hàng có dán nhãn “Made in Việt Nam” thì đó chỉ là nhãn hàng hóa, trên đó ghi thông tin. Hàng dán nhãn “Made in Việt Nam” chưa chắc hàng hóa đó có giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam. Hai khái niệm này hoàn toàn không trùng khớp nhau.
Theo giải thích của bà Huyền, trong mỗi FTA thì hàng hóa có xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan bao giờ cũng có cấp độ khác nhau. Cụ thể: Cấp độ thứ 1, hàng hóa có cấp độ thuần túy, tức là toàn bộ quá trình làm hàng hóa đó được thực hiện tại nước thành viên của Hiệp định. Cấp độ thứ 2, là hàng hóa có xuất xứ được làm từ các nguyên liệu. Ví dụ, sản phẩm cà phê chế biến hòa tan là hàng hóa có xuất xứ được làm từ các DN cà phê của Việt Nam.
Cấp độ thứ 3 – cấp độ phổ biến trên thế giới, là hàng hóa có xuất xứ nhưng bắt nguồn từ nguyên liệu không có xuất xứ. Ví dụ, socola của Bỉ và Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới, nhưng thực tế không có cây cacao nào ở Thụy Sĩ, Bỉ. Vậy Thụy Sĩ, Bỉ là nơi đã làm đổi bản chất của hàng hóa, biến một loại quả, loại hạt thành sản phẩm khác. Vậy, mặc dù không có nguyên liệu, nhưng sản phẩm cuối cùng là socola lại được xác định là xuất xứ của Bỉ, Thụy Sĩ.
Với ngành nông sản, thực phẩm, để đáp ứng quy tắc xuất xứ, hưởng các ưu đãi thuế từ các FTA, bà Huyền lưu ý các DN:
“Nếu các sản phẩm nông sản thuần túy thì bắt buộc nông sản đó phải được trồng và thu hoạch tại Việt Nam. Đối với nông sản chế biến, ví dụ như cà phê hòa tan hay các loại nước ép, nước hoa quả thì quy tắc linh hoạt hơn. Có thể DN Việt chỉ có một phần nguyên liệu rồi trộn với một số nguyên liệu nhập khẩu khác, làm thay đổi bản chất của hàng hóa, nhưng vẫn đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Tuy nhiên, vẫn có một số hàng hóa có quy tắc xuất xứ, nhưng không đáp ứng được, buộc DN phải chứng minh giấy tờ. Đối với các giấy tờ này, thì DN cần liên hệ tại tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ ở Bộ Công thương để được hướng dẫn đầy đủ. DN cũng cần lưu ý, phải lưu trữ chứng từ sau khi hàng hóa đã XK, được hưởng ưu đãi thuế quan, để phòng trường hợp sau này cơ quan hải quan của các nước NK có yêu cầu kiểm tra chứng minh xuất xứ thì DN có chứng từ để chứng minh”.
Tại “Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, liên quan đến xu hướng gia tăng các rào cản phi thuế quan trên thị trường quốc tế, ông Vianney Lesaffre, Đại diện dự án NTM của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho biết:
Các biện pháp phi thuế quan liên quan đến tiêu chuẩn hay tài chính, thủ tục hải quan ngày càng được đưa ra nhiều trên thị trường thế giới. Trong đó, SPS - các biện pháp kiểm dịch động thực vật, TBT - hàng rào kỹ thuật trong thương mại, là những rào cản phi thuế quan đang áp dụng trên thế giới. ITC đang làm việc với Bộ Công Thương để giảm thiểu chi phí thuế quan, mở rộng thị trường.
Theo đó, bước 1 là nhận các phản hồi của DN, từ đó tham vấn và đưa ra các cảnh báo mà DN sẽ phải đối mặt. Hiện dự án đã thu thập 1.638 ý kiến DN Việt Nam và đang phân tích, trong đó có tới 40% DN nông sản gặp vấn đề về các rào cản NK, XK, 63% DN phản hồi là rào cản thủ tục ngăn cản dòng chảy XNK...
Đầu năm 2020 sẽ kết thúc bước 1 và chuyển sang bước 2 là đưa ra các tham vấn cũng như hệ thống cảnh báo cho các DN Việt Nam. “Để được hỗ trợ, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ có thể tham gia các khóa huấn luyện về nâng cao đối phó với các rào cản phi thuế quan”, ông Vianney Lesaffre chia sẻ.
Bên cạnh hỗ trợ trên, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại (thuộc Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, Cục Xúc tiến thương mại và ITC cũng đã xây dựng dự án thương mại vì sự phát triển bền vững - T4SD.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ tư vấn DN tiếp cận tiêu chuẩn bền vững tự nguyện, hỗ trợ tiếp cận tài chính xanh. Hiện mô hình thí điểm của dự án đã được triển khai từ tháng 9-2019 với việc huấn luyện cho 4 chuyên gia và có 20 DN hồ tiêu, trái cây, chè xanh… đang được hỗ trợ tư vấn. Dự kiến đến năm 2020 dự án sẽ tổng kết đánh giá hiệu quả và tiến tới nhân rộng thêm để nhiều DN được tiếp cận.