Gỡ 3 “nút thắt” để phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam

Thứ Tư, 06/03/2019, 09:22
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, 70-80% nông sản Việt xuất khẩu nhưng không được mang thương hiệu  do vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chưa cao...

Tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 5-3, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, 70-80% nông sản Việt xuất khẩu nhưng không được mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt là do vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chưa cao, chưa tiếp cận được hệ thống phân phối tại nước ngoài, chưa tập trung phát triển thương hiệu tập thể…

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), vì không có thương hiệu nên nông sản Việt gặp rủi ro cao về uy tín của sản phẩm trên thị trường. 

Hình ảnh ngành hàng và quốc gia có thể bị ảnh hưởng xấu; năng lực cạnh tranh (sản phẩm/quốc gia) bị suy giảm; giá trị gia tăng từ xuất khẩu nông sản không cao. Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong năm 2018, ngành Nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục: 40,02% tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72% tỷ USD.

Doanh nghiệp phải thay đổi thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2019, ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cụ thể, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. 

Ngoài ra, còn những thách thức nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thay đổi thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường đã hình thành từ lâu nay.

Để thúc đẩy xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thứ nhất, chúng ta tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với trên 8,6 triệu hộ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa có quản trị. 

Điểm thứ hai là phải tổ chức nền nông nghiệp để làm sao thích ứng được với biến đổi khí hậu - một tác  nhân đang gây hậu họa rất lớn đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo ông Cường, thách thức thứ ba đối với ngành nông nghiệp hiện nay là hội nhập sâu rộng, tính cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Với xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay, GDP đầu người mới có 2.574 USD so với các nước có tiềm năng rất lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật và thị trường mở, thì đây là một sự cạnh tranh rất khốc liệt. 

Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, chế ngự được 3 nút thắt, 3 tồn tại bất cập lớn này thì mới mong hàng nông sản Việt Nam tiếp tục xuất khẩu tốt hơn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt phát triển”.

Chi Linh
.
.
.