Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn
- Báo chí góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp
- Thúc đẩy phát triển thương hiệu du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên
- Phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh
Sáng 12-7, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn" trong khuôn khổ Chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm ngành Công thương với tên "Hành động vì an toàn thực phẩm".
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại sự kiện. |
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khoẻ cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bộ Công thương là một trong ba đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Công thương đã và đang tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi của mình, trong đó đáng chú ý là việc đẩy mạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tiến hành nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu hướng tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tham gia Hội thảo có đông đảo lãnh đạo Bộ Công thương, các ban ngành Trung ương và địa phương, cùng cộng đồng doanh nghiệp. |
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương cho biết, Việt Nam là một thị trường bán lẻ có tiềm năng phát triển rất lớn. Cùng với sự tăng trưởng tốt về kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng và yêu cầu về chất lượng cuộc sống tăng cao. Đây là cơ hội tốt cho sự phát triển của mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn.
Trong khi đó, một số ý kiến nhận định nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất được thực phẩm rất an toàn nhưng người tiêu dùng không biết, không tin thực phẩm đó an toàn, nên sản phẩm khó bán hoặc phải bán rẻ.
Thương hiệu mạnh là yếu tố sống còn giúp thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng với số lượng lớn và giá tốt. |
Bởi vậy, để chiếm được niềm tin của khách hàng, sản phẩm phải được chứng nhận thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Và để đảm bảo đầu ra, tăng giá trị hàng hóa thì phải xây dựng, phát triển được thương hiệu. Thương hiệu mạnh thì hàng hóa sẽ bán được với giá tốt và số lượng lớn.
Tại Hội thảo, các cơ quan hữu quan, các hiệp hội ngành hàng và chuyên gia cũng đã phân tích về các khía cạnh quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm; chính sách phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh thực phẩm; và kinh nghiệm của doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, qua đó làm rõ vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu gắn với quyền lợi người tiêu dùng, cũng như kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn với các kênh phân phối hiện đại.