Hàng Việt Nam trước nguy cơ gia tăng các vụ kiện lẩn tránh thuế

Thứ Sáu, 03/08/2018, 09:19
“Phòng vệ thương mại (PVTM) hiện đang “nóng” trên thế giới. Những năm trước, trung bình mỗi năm có gần 10 vụ việc PVTM các nước áp dụng đối với Việt Nam, nhưng khoảng 5 năm gần đây con số tăng lên 13-14 vụ việc.

Đến hết tháng 7-2018, có 10 vụ việc PVTM đối với Việt Nam. Chưa kể, biện pháp PVTM bây giờ không còn đơn giản như biện pháp PVTM ngày xưa là chỉ giới hạn ở các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ, mà còn “núp bóng” dưới các chiêu bài khác...” - bà Phạm Châu Giang, Phó cục Trưởng Cục PVTM – Bộ Công thương khẳng định.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “nổ” nhưng chưa biết hồi kết cũng khiến cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ nghi ngờ là hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất sang Mỹ để né thuế. Động thái này khiến nguy cơ Mỹ chống lẩn tránh thuế đối với hàng Việt Nam ngày càng tăng...

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị nghi ngờ là hàng né thuế.

Theo Cục PVTM, sau hơn 10 năm gia nhập WTO, đến nay Việt Nam đã có khoảng 130 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong các vụ PVTM nêu trên, có 78 vụ chống bán phá giá, 25 vụ tự vệ, 17 vụ lẩn tránh thuế chống bán phá giá và 12 vụ về chống trợ cấp.

Đáng quan tâm là trong thời gian gần đây, xu hướng các vụ kiện PVTM trên thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các phương thức: kiện chùm (đơn kiện đồng thời nhiều nước), kiện domino (nước này kiện được, nước khác cũng theo đó đi kiện), kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp), kiện chống lẩn tránh thuế.

Mặt hàng bị kiện nhiều nhất là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như: thép (25 vụ), giày dép (7 vụ), sợi (6 vụ)... và phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng rộng và đa dạng, từ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: thép, dệt may, thủy sản... đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp như: bật lửa, gạch, vôi, điều hòa, lốp xe máy, đá granite...

Sắt thép xuất khẩu của Việt Nam bị kiện PVTM nhiều nhất so với các mặt hàng khác.

Đáng chú ý, kiện lẩn tránh thuế đang ngày càng gia tăng. Trong 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì có đến 16 vụ do nghi ngờ sản phẩm nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ kết luận 2 sản phẩm thép cacbon chống ăn mòn (tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu của Việt Nam có sự lẩn tránh thuế từ Trung Quốc.

Họ cáo buộc rằng, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu là thép cán nóng từ Trung Quốc về Việt Nam chế biến rồi xuất khẩu sang Mỹ, như vậy, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Bộ Công thương, trong quy định về Quy tắc xuất xứ của WTO, sản phẩm sẽ được coi là xuất xứ của một nước nếu đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể để tạo ra sản phẩm đó. Việc nguyên liệu thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, rồi xử lý để trở thành tôn mạ được coi là “chuyển đổi đáng kể”. Vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác vẫn được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Với cáo buộc như vậy, Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi trên là “chuyển đổi đáng kể”. Mới đây nhất, ngày 12-6, Bộ Thương mại Mỹ nhận được đơn của một số DN thép tại Mỹ, yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là thép chống ăn mòn do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và thép cán nguội do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.

Theo Bộ Công Thương, nguyên đơn cáo buộc rằng, sau khi Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu 2 loại thép trên từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Trước thông tin này, Bộ Công Thương đã khuyến nghị DN xuất khẩu của Việt Nam có liên quan tới vụ việc, cần có bước chuẩn bị nếu vụ việc bị khởi xướng điều tra.

Bà Trần Thị Lan Hương, Phòng xử lý PVTM nước ngoài - Cục PVTM nhận định: “Lẩn tránh thuế rất phức tạp. Lẩn tránh thuế không có một khuôn mẫu, khuôn khổ nào chung. Mỗi nước có một quy định riêng, một thông lệ riêng. Bà Lan Hương cũng lưu ý: “Một vụ việc chống lẩn tránh thuế rất có khả năng chuyển thành vụ việc chống trợ cấp và bán phá giá”.

Ông Phùng Gia Đức, Phòng điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục PVTM cũng cho rằng: “Trước đây chưa điều tra nên chưa có việc rà soát cụ thể, nhưng khi điều tra có thuế rồi thì phát sinh các biện pháp lẩn tránh thuế. Các nhà nhập khẩu, các nhà sản xuất nước ngoài họ rất nhanh nhạy. Như DN Trung Quốc, có thuế là họ lẩn tránh ngay. Lẩn tránh bằng các hình thức: Có thể chuyển tải một phần hoặc chuyển hẳn DN Trung Quốc sang Việt Nam để lắp ráp; hoặc chuyển sang nước thứ 3 để lấy C/O xuất xứ của nước đấy rồi xuất sang Việt Nam... với rất nhiều hình thức tinh vi”.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều vụ chống lẩn tránh thuế Mỹ áp vào Việt Nam, chủ yếu các mặt hàng thép, do các nhà sản xuất thép của Mỹ nghi ngờ thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ để né thuế. Vì vậy, với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, hàng loạt mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ “bổ sung” thêm mức thuế 25%, sẽ không tránh khỏi nghi ngờ chuyển sang Việt Nam sau đó xuất vào Mỹ, khiến các mặt hàng cùng loại của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng bị vạ lây, đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế.

Trước thực trạng trên, bà Lan Hương khuyến nghị: “DN chủ động tránh các vụ kiện bằng cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, giá trị gia tăng. Nếu bị kiện, DN chủ động đối phó bằng cách thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, Cục PVTM, chuẩn bị tốt hồ sơ chứng từ, xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lựa tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất và đến cùng”.

Riêng trường hợp bị kiện lẩn tránh thuế, DN có liên quan phải tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc. Đồng thời, DN phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc. “DN chỉ cần nhớ công cụ PVTM khi nào sử dụng, và khi sử dụng thì cần liên hệ ai, như vậy là tốt lắm rồi”, bà Phạm Châu Giang, Phó cục Trưởng Cục PVTM – Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thúy Hà
.
.
.