Giải bài toán khan hiếm cát xây dựng
Các Công ty CP Thương mại dịch vụ Hồng Phát, Châu Thành Phát và Công ty CP Xây dựng 939 được cấp phép khai thác cát, sỏi với tổng diện tích 6,3ha ở khu vực bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP Huế), để cung cấp nguyên liệu xây dựng công trình dân sinh, nhưng do khai thác vượt độ sâu giới hạn nên bị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt tổng số tiền 2,4 tỷ đồng; bị đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép.
Ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại dùng “chiêu bài” tích trữ cát, “găm hàng” không bán ra thị trường; khiến cho cát xây dựng rơi vào tình trạng khan hiếm và tăng giá chóng mặt.
Nếu trước đây, cát xây dựng có giá từ 120-150 ngàn đồng/m3 thì từ tháng 11-2018 đến nay, giá cát luôn dao động ở mức 250-300 ngàn đồng/m3. Giá cát tăng đã đẩy nhiều nhà thầu đang thực hiện thi công các dự án công trình rơi vào cảnh khó khăn, do tăng chi phí mua vật liệu xây dựng, đội vốn đầu tư. Trong khi đó, đang mùa nắng ráo nên người dân cũng cấp tập xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Và không chỉ các nhà thầu xây dựng mà người dân cũng “khóc ròng” theo cát.
Gia đình bà Nguyễn Thị Điệp (43 tuổi, ở phường Hương Long, TP Huế) xây dựng căn nhà 2 tầng trên khu đất rộng hơn 100m2, thi công đã hơn 1 tháng nhưng phần móng công trình vẫn chưa hoàn thành.
“Nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu cát xây dựng. Nhiều ngày thợ xây đến mà xe tải chở cát chưa về nên đành phải nghỉ làm. Chúng tôi cũng đã liên hệ các đại lý cung ứng cát xây dựng trên địa bàn nhưng chỗ thì báo hết cát, chỗ thì báo giá bán quá cao nên không biết phải tính sao. Nếu tình trạng khan hiếm cát xây dựng kéo dài mà các cơ quan chức năng của tỉnh không có biện pháp can thiệp thì người dân sẽ rất khổ sở”, bà Điệp nói.
Cát lòng sông phục vụ xây dựng ở địa bàn Thừa Thiên - Huế đang khan hiếm dần. |
Có không ít doanh nghiệp, hộ gia đình xây dựng công trình, nhà ở, để có cát xây dựng, đã lặn lội đến các mỏ cát trên sông Bồ (huyện Phong Điền) để mua với giá gần 200 ngàn đồng/m3. Tuy nhiên, từ khu vực này vận chuyển cát vào địa bàn TP Huế thì chi phí vận chuyển quãng đường xa cũng khiến cát đội giá lên khoảng 300 ngàn đồng/m3.
Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, dự báo trong tương lai chừng 10 năm tới, nhu cầu cát xây dựng của tỉnh vượt quá năng lực khai thác cát. Vì thế, đưa ra phương án nghiên cứu dùng cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng, cát nhân tạo (cát xay), đá mi thay thế cát lòng sông.
Tuy nhiên, bài toán nghiên cứu và lựa chọn vật liệu thay thế cát xây dựng không hề đơn giản. Do đó, hiện nay tỉnh yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng điều tra, khảo sát cát nội đồng có thể làm vật liệu xây dựng thông thường thay thế cát lòng sông hay không.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, nhằm đảm bảo nguồn cung đối với cát làm vật liệu xây dựng cho thị trường hiện nay, tỉnh cũng đã yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và trước mắt tập trung tổ chức đấu giá đối với khoáng sản cát, sỏi.
Đồng thời yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã rà soát các điểm cần nạo vét, khơi thông, trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa để có phương án tận dụng nguồn cát, sỏi dôi dư nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường.