Cùng nông dân đi chợ toàn cầu: Cơ hội vàng cho nông sản Việt Nam

Thứ Sáu, 11/10/2019, 16:56
Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần 4 với chủ đề: "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (11-10), các chuyên gia kinh tế đều nhận định, việc ký 2 Hiệp định trên đang mở ra “cơ hội xuất khẩu vàng” cho nông sản Việt Nam.


Thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ đa dạng hơn

Trong 2 năm 2018-2019, Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). 

Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua hai hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế và các nông dân xuất sắc.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam. Với EVFTA, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn.

Dù có nhiều cơ hội lớn đối với nông sản Việt, nhưng các đại biểu tham dự diễn đàn đều cho rằng, thách thức để chinh phục các thị trường trên thế giới cũng không nhỏ. 

Cụ thể, các thách thức đối với hàng nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường thuộc 2 khối CPTPP và EVFTA là rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật; rào cản về trình độ quản trị, trình độ công nghệ ứng dụng trong sản phẩm nông sản – vốn đang là những điểm nghẽn khiến nông sản Việt chưa thể thâm nhập vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, hiện cả nước đang có 11 triệu hộ nông dân đang sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung giá trị gia tăng trong xuất khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam còn thấp, gặp nhiều rào cản, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, diễn đàn lần này là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, hội nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc thảo luận để tìm ra các giải pháp, cũng như kiến nghị, đề xuất các chính sách lên Đảng, Nhà nước đối với nông dân.

Dù khó khăn vẫn có niềm tin

Ông Nguyễn Văn Công, nông dân xuất sắc tỉnh Nam Định chia sẻ, hiện gia đình ông đang có trang trại gà đẻ lớn nhất Nam Định rộng 4ha, nuôi 40.000 con gà, mỗi ngày cho thu 35.000 quả trứng, tổng doanh thu 24 tỷ đồng/năm. "Bên cạnh các lợi thế mà chúng ta đã nhắc đến nhiều, thì tôi được biết chúng ta cũng phải “đánh đổi”, khi có nhiều mặt hàng, sản phẩm chăn nuôi của các nước xuất khẩu vào nước ta sẽ có mức thuế suất bằng 0%, đặc biệt là đối với các sản phẩm trứng, sữa. Để bảo vệ sản xuất trong nước và vẫn thực hiện đúng các cam kết đã ký kết, chúng ta sẽ có các hàng rào kỹ thuật như thế nào, Nhà nước sẽ hỗ trợ chúng tôi như thế nào để giá thành sản xuất ở mức thấp, cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu?", ông Công nêu câu hỏi.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, chăn nuôi sẽ là lĩnh vực gặp khó khăn nhất khi bước chân ra thị trường thế giới.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), so với nhiều nước trong CPTPP, Việt Nam không có nhiều lợi thế về chăn nuôi, nhất là đối với các sản phẩm trứng, sữa, vì thế chúng ta phải tìm ra thế mạnh riêng, tấn công vào thị trường ngách, ví dụ như sản phẩm thịt gà ta, thịt lợn sạch… 

Trước băn khoăn của ông Nguyễn Văn Công, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, câu hỏi này đúng là băn khoăn thời sự của không chỉ ngành chăn nuôi mà cả các ngành kinh tế khác. Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi được đánh giá là sẽ gặp rất nhiều khó khăn. So với các nước trong CPTPP hay EVFTA, thì Newzealand, Úc, hay châu Âu đều có lợi thế về chăn nuôi, nhiều nước 80% sản phẩm nông nghiệp là chăn nuôi, nền sản xuất mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Nông dân Việt Nam không trồng trọt, không chăn nuôi thì sẽ làm gì? Sản xuất hiện nay cái gì cũng có thử thách, nhưng vẫn có thời cơ cho chúng ta. 

Ông Dương cũng nhận định, hiện trong chăn nuôi, lĩnh vực sữa, trứng là 2 lĩnh vực tiên tiến, trong quan hệ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, chúng ta phải chấp nhận các hàng rào mà các nước đặt ra. “Việc tuân thủ các quy định về chất cấm, hóc môn tăng trưởng, dư lượng kháng sinh chúng ta đang làm quyết liệt, nhưng quan trọng nhất là người chăn nuôi phải làm ra sản phẩm rẻ hơn, chất lượng hơn và truy xuất được nguồn gốc”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

Sản phẩm rẻ và chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ là tiêu chí sản xuất để nông sản Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.

Thêm nữa, theo ông Dương, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng, chưa quen dùng thịt mát, đối với thịt gà, vẫn thích ăn gà ta thả vườn, nuôi 5-6 tháng chứ không phải nuôi kiểu công nghiệp 45 ngày đã xuất chuồng. Vì vậy, nông dân chúng ta cần làm sao để biến sản phẩm thịt gà này thành lợi thế trên thị trường xuất khẩu.

Ngọc Yến
.
.
.