Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nông sản đến kỳ thu hoạch

Chủ Nhật, 06/06/2021, 06:11
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong tháng 5/2021. Để kịp thời hỗ trợ người dân, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa, đảm bảo hàng hóa cho tiêu dùng của người dân, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm nông sản đã đến mùa thu hoạch.


Bộ Công Thương cho biết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. 

Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. 

Kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. 

Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, sau khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (0h ngày 31/5), có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tại các kênh phân phối. 

Trước tình trạng này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khẳng định thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết. Đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên thị trường. 

Bộ Công Thương cũng ngay lập tức làm việc với các kênh phân phối để nắm được nguồn hàng, nhanh chóng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để công bố việc các kênh phân phối luôn đảm bảo nguồn hàng đầy đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân. 

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart miền Nam cho biết, VinCommerce luôn có những kịch bản kinh doanh để ứng phó với mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh. Về hàng hoá, ngay sau làn sóng dịch đầu tiên năm 2020, đơn vị đã chủ động làm việc, tăng cường kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng liên tục, đồng thời sản lượng dự phòng trong lúc dịch bệnh bùng phát luôn đủ cho 3 - 6 tháng. Các siêu thị khác như Co.opMart cũng đảm bảo mở cửa phục vụ cho người dân bình thường, giúp người dân yên tâm, không đổ xô đi tích trữ hàng hóa.

Đặc biệt, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông. Đến nay, các kênh phân phối lớn đã vào cuộc tiêu thụ nông sản. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm nay, Saigon Co.op đã sớm có phương án phối hợp thu mua, vận chuyển và phân phối trái vải để chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân cũng như kịp thời phục vụ nhu cầu thưởng thức loại trái cây đặc sản này cho khách hàng cả nước. Theo kế hoạch năm nay, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trên toàn hệ thống sẽ dao động trung bình từ 400 tấn và có khả năng vượt 500 tấn nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tiến triển khả quan.

Ngoài các kênh phân phối trực tiếp, điều đặc biệt năm nay là vải thiều được tiêu thụ rất mạnh qua kênh thương mại điện tử. Ngay vụ vải sớm bắt đầu từ giữa tháng 5, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã chính thức được mở bán ngay tại trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng nhiều chính sách giá ưu đãi. Vải thiều Bắc Giang cũng đang được các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada… hỗ trợ tiêu thụ qua phương thức thương mại điện tử.

Theo ông Trần Duy Đông, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội). Bên cạnh đó, tham mưu, triển khai, đề xuất các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân.

Lưu Hiệp
.
.
.