Đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu

Thứ Năm, 21/01/2021, 08:40
Còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời điểm này các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ chủ động nguồn hàng, đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng với giá bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán.


Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Đặc biệt, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như: gạo, bánh kẹo, mứt, bột ngọt, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương, lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến luôn đảm bảo… phục vụ người tiêu dùng. Thời điểm này, các DN đã chủ động nguồn hàng, đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng với giá bình ổn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu”. 

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, tổng mức giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết (từ quý 4-2020 đến quý 1-2021) trên 3.414 tỉ đồng, số lượng hàng hóa dự trữ tăng từ 10-30% so với năm trước. 

Trong đó, tập trung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: Gạo, thịt lợn (heo), thịt gia cầm, trứng gia cầm, bia, xăng dầu, gas… Ðến nay, đã có 14 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn với 55 điểm bán lẻ, tổng giá trị hàng hóa tham gia trên 294 tỉ đồng. 

Người tiêu dùng chọn hàng tại siêu thị.

Số liệu của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho thấy, tháng 12/2020, trên địa bàn thành phố có 129.409 con lợn; 4.752 con bò; gần 2 triệu gia cầm; sản lượng thịt hơi các loại ước 4.200 tấn; sản lượng trứng 7,9 triệu quả.

Dự kiến, nhu cầu và chuẩn bị thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khoảng 8.400 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, thịt trâu, bò 300 tấn; thịt heo 5.900 tấn; thịt gia cầm 2.200 tấn; trứng gia cầm 15 triệu quả. Khả năng cung ứng của thành phố khoảng 4.500 tấn sản phẩm gia súc (thịt lợn 4.400 tấn, thịt trâu, bò 100 tấn), đạt 73% nhu cầu dự kiến; 1.900 tấn sản phẩm gia cầm, đạt 86% nhu cầu; 12 triệu quả trứng gia cầm, đạt 80%... Ðể cung ứng phần thiếu hụt, Cần Thơ đã lên kế hoạch nhập thêm hàng từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai…

Sở Công thương tỉnh Cà Mau cũng xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 1.280 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nông sản thực phẩm trên 90 tỷ đồng; công nghiệp thực phẩm trên 365 tỷ đồng; công nghiệp tiêu dùng 13 tỷ đồng; nhiên liệu 458 tỷ đồng; kim khí điện máy 100 tỷ đồng; mặt hàng khác trên 250 tỷ đồng, tăng gần 4,7% so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. 

Hiện, giá cả thị trường ổn định, nhưng dự báo những ngày giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao. Vì vậy, Sở Công Thương Cà Mau đề nghị các DN, đơn vị đầu mối nghiên cứu nhu cầu thị trường, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Còn các DN tại tỉnh Tiền Giang có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ cung ứng phục vụ nhân dân với tổng trị giá khoảng 444 tỷ đồng, trong đó riêng các mặt hàng thiết yếu gần 100 tỷ đồng. 

Theo Sở Công thương Tiền Giang, lượng hàng hóa thiết yếu mà các doanh nghiệp dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 gồm: 934 tấn gạo; trên 491 tấn đường; 731,5 tấn bột ngọt và hạt nêm các loại; trên 80 tấn thịt gia súc và gia cầm... 

Ngoài ra, còn có đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng khác như bánh, mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt... đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết đến.

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, tỉnh có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa tiêu dùng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 khoảng 51.500 tấn các loại, với tổng trị giá hơn 2.315 tỷ đồng. 

Ông Lâm Huỳnh Nhân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết, Tết Nguyên đán Tân Sửu có thời gian nghỉ 7 ngày, dự kiến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và sức mua sẽ tăng mạnh. Nguồn hàng nông sản, thủy sản sản xuất trong tỉnh, hàng thực phẩm chế biến ở các tỉnh, thành ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh được đưa về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh dịp Tết này. Mạng lưới đại lý thu mua, phân phối, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh tập trung đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành Công thương các tỉnh, thành còn phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 

Tổ chức triển khai thực hiện nhằm duy trì ổn định thị trường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, gian lận thương mại… 

Trọng tâm kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến ANTT, hàng tiêu dùng thiết yếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán...

Đức Văn
.
.
.