Đã đến lúc “cởi trói” cho thị trường vàng?

Thứ Ba, 27/04/2021, 06:26
Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 8 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trầm lắng trên bề mặt, trong khi những cơn sóng ngầm về vấn nạn buôn lậu luôn thường trực kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những kiến nghị về việc “cởi trói” cho thị trường vàng lại tiếp tục được đặt ra.

Năm 2012, Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực đã trở thành công cụ điều tiết thị trường kim loại quý, dẹp bỏ vấn nạn vàng hóa trong nền kinh tế, giúp ổn định tỷ giá. Với quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, những điều tích cực mà quy định này mang lại đã được chứng minh. 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một nghị định có hiệu lực 10 năm trời, đã phát huy được vai trò, nhưng trong thời điểm hiện tại, những quy định này không còn phù hợp. Điển hình cho sự không phù hợp này là thị trường vàng trong nước đang có sự chênh lệch về giá qua xa với thị trường thế giới. 

VGTA kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.

Sự chênh lệch giá này kéo theo vấn nạn buôn lậu vàng ngầm mà hệ lụy của nó là ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD. Người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao.

Trước thực tế này, tại cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) mới đây, VGTA đã đưa ra 4 kiến nghị nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng, trong đó VGTA đề nghị Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó là xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất. Mục tiêu rút gần khoảng cách giữa giá vàng trong nước với quốc tế, khi thời gian vừa qua đã có sự chênh lệch cao, có thời điểm lên tới hơn 7 triệu đồng/lượng. 

VGTA còn đề nghị, nhiều quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của Chính phủ, trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định. Trong đó, một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập quốc tế so với thời điểm ban hành Nghị định, cách đây gần 10 năm. Chính vì vậy, cần sửa đổi theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp và Hiệp hội dự kiến sẽ tiếp tục trình NHNN ngay từ quý II/2021…

Trước đó, vào cuối năm 2020, VGTA cũng đã có những kiến nghị về các nội dung trên. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định, quan điểm của NHNN là kiên định với những chính sách, những kết quả đạt được trong thời gian qua và cụ thể là Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể, theo ông Tú, kể từ khi Nghị định 24 đi vào đời sống đem lại nhiều lợi ích ở cả vi mô và vĩ mô. Tại thị trường trong nước, giá vàng trong những năm qua không còn “nhảy múa”, không ảnh hưởng đến giá hàng hoá và tỷ giá. Khi giá hàng hoá và tỷ giá không biến động quá mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định cho kinh tế vĩ mô. 

“Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý cẩn thận” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết và khẳng định, NHNN vẫn ghi nhận và nghiên cứu thấu đáo đề xuất của VGTA, nhưng trước hết phải đặt lợi ích vĩ mô, lợi ích chung của người dân lên đầu, sau đó mới tính đến lợi ích của các doanh nghiệp vàng.

Hà An
.
.
.