Công nghệ sẽ giúp kích cầu và quảng bá du lịch
- Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch
- Tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng internet
- Khởi động chương trình quảng bá du lịch quốc gia "WhyVietnam"
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn, người có nhu cầu du lịch đến địa phương, di tích nào đó có thể tìm hiểu thông tin khá chi tiết về điểm đến, kể cả trải nghiệm thử qua không gian ảo. Không chỉ dần phổ biến hơn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, nhiều địa phương, di tích cũng bắt đầu triển khai xây dựng, sử dụng các ứng dụng thông minh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.
Thời gian gần đây, nhờ phần mềm thuyết minh tự động, du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã không còn hoàn toàn lệ thuộc vào các hướng dẫn viên. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, khách tham quan có thể chủ động khám phá di tích nổi tiếng đất Hà Thành này.
Bởi, bên cạnh hệ thống biển báo, thông tin được thuyết minh tự động qua 8 ngôn ngữ khác nhau: tiếng Anh, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tại Hà Nội, Văm Miếu – Quốc Tử Giám cũng là một trong số các đơn vị đi tiên phong trong việc triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch.
Nhờ nội dung biên soạn sẵn và tích hợp trên hệ thống, chỉ với 1 điện thoại thông minh, du khách có thể dễ dàng khám phá khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |
Chia sẻ về hoạt động này, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông minh này nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, khu di tích đón khoảng trên 1,5 triệu lượt khách. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các biển chỉ dẫn rõ ràng, có thuyết minh các công trình kiến trúc, các công trình phụ trợ giúp khách du lịch có thêm hình dung về di sản.
Để làm được được điều này, trung tâm đã mời chuyên gia thiết kế đồ họa Patrick Hoarau, người Pháp tham gia thiết kế Hệ thống biển chỉ dẫn với cảm hứng từ họa tiết khắc trên bia Tiến sĩ. Hệ thống biển chỉ dẫn được làm bằng chất liệu đá tự nhiên, có độ bền cao, hài hòa với không gian di tích… sẽ hỗ trợ tối đa cho khách tham quan.
Nội dung thuyết minh được biên soạn gồm các câu chuyện về lịch sử gắn với di sản được tích hợp trong phần mềm giúp du khách dễ dàng hình dung quá trình hình thành và phát triển của từng di tích.
Tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội cũng vừa đưa phần mềm hướng dẫn tham quan di tích vào sử dụng. Là một trong những khu di tích đặc biệt nhất cả nước bởi những giá trị mang trong nó vô cùng lớn nhưng lại không bộc lộ một cách trực quan, Hoàng thành Thăng Long vẫn là khu di tích nhiều bí ẩn với quần thể công trình kiến trúc đồ sộ chỉ được “kể” bằng các di vật trong lòng đất và sử sách.
Đó là những hiện vật khảo cổ hay các dấu vết của nền móng các công trình đền đài xưa cũ qua từng lớp trầm tích lịch sử. Nếu không có hướng dẫn hoặc không được thuyết minh kỹ, du khách đến với khu di sản khó lòng cảm nhận được giá trị di sản tại nơi này.
Để tạo điều kiện cho khách tham quan dễ dàng tiếp cận di sản, từ năm 2017, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã bắt đầu xây dựng ứng dụng thuyết minh trên điện thoại di động để hướng dẫn du khách khi đến khu di sản. Đầu năm 2018, ứng dụng này được triển khai đã tạo một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan đến với khu di tích.
Ngành du lịch tăng cường áp dụng công nghệ để quảng bá, thu hút khách. Ảnh minh họa: CTV |
Ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, ứng dụng thuyết minh tự động đã phát huy được nhiều lợi thế, đặc biệt là lợi thế về trình diễn đa phương tiện. Sau khi tải ứng dụng về điện thoại di động, khách tham quan có thể đọc nội dung diễn giải, xem các hình ảnh minh hoạ và xem nội dung hướng dẫn tham quan dưới dạng video chứ không chỉ nghe đơn thuần.
Ứng dụng được cung cấp cho khách du lịch hoàn toàn miễn phí ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả ở trong và ngoài nước dù họ đang có mặt tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều kiện này đã đưa ứng dụng từ công cụ hướng dẫn, thuyết minh trở thành phương tiện quáng bá du lịch hữu hiệu.
Ngoài việc xóa bỏ rào cản về địa lý, vướng mắc về ngôn ngữ cũng bước đầu được tháo gỡ vì ứng dụng có đến 3 phiên bản ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật. Ngoài việc sử dụng một cách dễ dàng, có những trải nghiệm chân thực, sống động, ứng dụng còn cho phép người dùng có thể đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng dịch vụ khác mà du khách có nhu cầu.
Đây cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng, cập nhật nhanh nhất các ưu, khuyết điểm trong quá trình hoạt động của khu di tích để ban quản lý có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ 13-4, Sở Du lịch thành phố cũng bắt đầu thử nghiệm triển khai ứng dụng phần mềm du lịch thông minh. So với nhiều địa phương, đơn vị hoạt động du lịch trong và ngoài công lập thì việc một địa phương luôn dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến hàng năm như TP Hồ Chí Minh mới bắt đầu triển khai ứng dụng du lịch thông minh bị cho là khá muộn. Việc vận hành chậm mà chắc và đầy đủ là kỳ vọng không chỉ riêng đội ngũ những người làm quản lý du lịch của thành phố.
Ngược lại, với khối doanh nghiệp, các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ đã được triển khai khá sớm. Các doanh nghiệp lớn như Viettravel, Saigontourist đều bước đầu xây dựng được một số chương trình, sản phẩm ứng dụng công nghệ để đưa vào phục vụ du khách khá lâu.
Ngoài giới thiệu điểm đến một cách sinh động bằng video, không gian ảo, một số ứng dụng còn cho phép khách hàng tự xây dựng tour du lịch dựa trên các trải nghiệm thử từ không gian số sao cho phù hợp với sở thích và “túi tiền” của bản thân.
Tuy nhiên, nói như chia sẻ của ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist thì đây vẫn mới là những bước đi đầu tiên. Lý do là đầu tư xây dựng các sản phẩm từ ứng dụng công nghệ như thế vẫn vô cùng tốn kém. Nếu đơn vị nào ít thực lực kinh tế và nhân lực thì sẽ còn khó khăn…