Kinh doanh thương mại điện tử quốc tế: Cơ hội nhiều, rủi ro cũng không ít (!)

Thứ Hai, 04/12/2017, 09:01
Thực tế, việc mua, bán hàng TMĐT quốc tế qua các trang alibaba, taobao, amazone, ebay… hiện đang phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Hiện nay, các giao dịch trao đổi mua - bán hàng hóa của doanh nghiệp (DN), người kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc “offline” (bán hàng trực tiếp) hoặc “online” (bán hàng qua mạng), mà đã nhanh chóng hội nhập với xu hướng toàn cầu - thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế. Thực tế, việc mua, bán hàng TMĐT quốc tế qua các trang alibaba, taobao, amazone, ebay… hiện đang phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Thêm nhiều cơ hội

Chị Lê Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ thực phẩm R2D cho biết, công ty có bán sản phẩm than không khói (làm từ gáo dừa) trên trang Alibaba (trang thương mại điện tử - B2B, toàn cầu lớn nhất thế giới).

Để thu hút khách hàng, chị phải dành thời gian để thường xuyên cập nhật, thay đổi thông tin, hình ảnh sản phẩm cho thật bắt mắt, hấp dẫn; đồng thời, giải đáp tất cả các thắc mắc của khách hàng liên quan đến chất lượng sản phẩm để mong có được nhiều đơn hàng.

Chia sẻ kinh nghiệm khi bán hàng trên Alibaba, chị Hiền cho biết, ngoài việc trả lời nhanh các câu hỏi của khách hàng thì cần chọn lọc, đánh giá khách hàng. Bởi thực tế, có nhiều khách hàng thực sự muốn tìm hiểu sản phẩm của DN, nhưng cũng có không ít đối thủ đóng vai khách hàng để dò hỏi giá cả, tìm hiểu thông tinsản phẩm để cạnh tranh.

Vì vậy, chọn lọc khách hàng bằng thông tin quốc gia, tên công ty, tra cứu thông tin khách hàng trên internet, làm việc qua email... với khách hàng để hiểu rõ hơn yêu cầu của khách hàng. Không chỉ bán hàng, tìm kiếm khách hàng, DN còn phải tìm hiểu để biết thêm thông tin thị trường các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, cải tiến chất lượng sản phẩm và định giá sản phẩm để bán sang nhiều quốc gia khác.

Cùng chức năng B2B kết nối người mua với người bán thực hiện các thỏa thuận, giao dịch mua hàng quốc tế ngay trên trang, nhưng so với các trang khác, Alibaba được đánh giá là website TMĐT toàn cầu lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có trên 100 triệu thành viên đang hoạt động và 3 triệu lượt tìm kiếm mua hàng mỗi ngày. Riêng tại Việt Nam, có tới 300.000 thành viên đăng ký tài khoản và 1.000 DN trong số đó đã và đang là thành viên uy tín của Alibaba.

Ngoài DN bán hàng trên các trang mạng quốc tế, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cũng chọn cách kinh doanh trên mạng bằng hình thức “săn” hàng độc lạ, giá tốt, để “sang tay” kiếm lời. Với hình thức kinh doanh này, người kinh doanh chuyên “săn” hàng khuyến mãi là những sản phẩm có thương hiệu, có “sao” cao theo đánh giá, xếp hạng của khách trên các trang alibaba, taobao, amazone, ebay...

Chị Kiều Hạnh, chuyên bán mỹ phẩm, hàng thời trang từ các nguồn Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Thái Lan… mỗi ngày đều canh hàng giảm giá trên amazone, ebay và đăng hình ảnh, thông tin, giá sản phẩm trên facebook. Khi nào có đơn đặt hàng, chị Hạnh mới đặt mua, để giao cho khách hàng.

Trung bình mỗi tháng, chị Hạnh bán được khoảng 40 triệu đồng, kiếm được lợi nhuận 7-8 triệu đồng. Riêng trang ebay thì có điểm khác biệt so với các trang khác là có tổ chức đấu giá đủ các sản phẩm từ điện tử, điện máy, hàng gia dụng đến đồng hồ, đồ cũ, đồ cổ...

“Săn” hàng khuyến mãi trên trang thương mại điện tử quốc tế.

Rủi ro rình rập

Bên cạnh những cái được như đã kể, việc giao dịch trên các trang TMĐT quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đánh giá của các DN, giao dịch trên các trang alibaba, taobao, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với giao dịch trên amazone, ebay.

Chị Lê Minh Hồng Phúc, Giám đốc tác nghiệp Công ty TNHH SX TM IamV (chuyên sản xuất, kinh doanh tỏi đen) cho biết: “Công ty từng làm việc với một đối tác Trung Quốc, họ đặt làm 15 tấn tỏi đen nhưng sau khi đàm phán xong hết các thỏa thuận, họ ngưng hợp đồng, không mua hàng nữa. Sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi nghi ngờ đây chỉ là đơn hàng ảo. Đối thủ muốn dò la thông tin của DN nên chúng tôi quyết định không tiếp tục làm theo đơn đặt hàng này”.

Chị Lê Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ thực phẩm R2D cho biết rủi ro thường xảy ra ở giai đoạn làm mẫu gửi cho khách hàng. Nhiều khách hàng yêu cầu làm sản phẩm theo mẫu họ yêu cầu và số lượng mẫu nhiều, nhưng tỷ lệ đơn hàng thành công không cao, do các công ty thương mại lên hỏi giánhiều hơn là khách hàng muốn mua thực sự.

“Vì vậy cần tìm hiểu kỹ càng khách hàng rồi mới làm mẫu. Để tránh rủi ro, DN nên nhận tiền của khách hàng trước khi gửi mẫu sản phẩm, hoặc khách hàng cung cấp mã chuyển phát nhanh của họ để mình gửi mẫu, họ trả tiền chuyển mẫu”, chị Hiền chia sẻ.

Theo các DN, khó khăn lớn nhất là các website quốc tế khi bán hàng chỉ chịu trách nhiệm giao hàng đến cửa khẩu Việt Nam. Các rủi ro, phát sinh thuế, phí của khâu thông quan hàng hóa vào Việt Namngười mua phải chịu. Bên cạnh đó là hầu hết các trang đều sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Vì vậy, người mua – bán  phải biết ngoại ngữ và có kỹ năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đánh giá uy tín người bán…

“Giao dịch trên các trang TMĐT quốc tế đang là xu hướng toàn cầu, nhưng hiệu quả tùy thuộc vào năng lực của từng DN và DN không nên để lệ thuộc vào các trang mạng quốc tế. DN nên mở rộng bán hàng đa kênh với cả các trang thương mại của Việt Nam như: Tiki, Sendo… để có đối trọng. Bởi vì, nếu chỉ lệ thuộc vào các trang TMĐT quốc tế, sau này họ siết bằng các quy định, điều khoản riêng thì DN phải gánh chịu. Ngoài ra, DN cần chủ động vốn, nguồn lực, kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin… để hội nhập thương mại quốc tế. Chính phủ cần hỗ trợ thêm về hạ tầng công nghệ thông tin, miễn thu thuế giai đoạn đầu khi DN đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử như cách Mỹ đã hỗ trợ cho DN của họ”, Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng khẳng định.

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.