Cơ hội cho du lịch nội địa phát triển

Thứ Bảy, 17/04/2021, 08:18
Đại dịch COVID-19 khiến du lịch quốc tế đóng băng nhưng lại là cơ hội cho du lịch nội địa. Trong bối cảnh bình thường mới, du lịch nội địa được thừa nhận là động lực khôi phục du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để người làm du lịch tận dụng được cơ hội, đưa du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới thì vẫn cần thêm nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể.


Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam thì phát triển du lịch nội địa là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm.

Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt,... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa.

Du lịch nội địa được xác định có nhiều cơ hội phát triển trong điều kiện bình thường mới.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho biết, thời gian qua, ngành du lịch đã tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành nhiều chính sách, cơ chế tạo thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030  đã xác định: Nếu duy trì được tỷ lệ 41-45% đóng góp thu từ khách du lịch nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000-810.000 tỷ đồng, đến năm 2030 sẽ là 1.310-1.440 tỷ đồng. Điều này cho thấy du lịch nội địa đóng góp không hề nhỏ đối với sụ phát triển của ngành du lịch.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển thị trường khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra một số vấn đề. Cụ thể, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách có thay đổi. Du lịch an toàn trở thành một nhu cầu và sản phẩm mới.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có chiến lược hay kế hoạch sẵn sàng trong việc định hướng phát triển du lịch sau đại dịch. Nhân lực du lịch đang có xu hướng bị thu hẹp do những hậu quả của đại dịch và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử nhưng khả năng áp dụng công nghệ trong cung ứng các sản phẩm du lịch còn hạn chế.

Cũng theo TS Nguyễn Anh Tuấn, công tác nghiên cứu, phát triển thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch đối với thị trường khách nội địa chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. 

Để tiếp tục phát triển du lịch nội địa trong thời gian tới, TS Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch yêu cầu, các vụ chức năng xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách du lịch nội địa để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới. Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc biệt tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch. Tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn. Thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa. Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch.

N.Nguyễn
.
.
.