Nỗ lực kiềm chế lạm phát dưới 4%

Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:19
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm 2020 đã tăng 4,19%, vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm nay, điều đó cho thấy sức nặng đang dồn vào nửa cuối năm 2020 để đạt những kết quả vĩ mô ở mức tối đa, trong đó có mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% cho cả năm. Đây là mục tiêu khó, đòi hỏi những giải pháp mạnh hơn để kiểm soát chặt trong nửa cuối năm.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước và là mức tăng khá cao. Trong đó, có 7 nhóm hàng tăng so với tháng trước, vì một số nhóm hàng hóa có mức cầu tăng lên như thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ăn uống... trong tình hình đời sống dân sinh đang dần ổn định trở lại. Tính chung, bình quân 6 tháng CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành thực tế đe dọa khả năng khống chế CPI dưới 4% như đã đề ra. 

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu kích đẩy CPI tăng là do nhóm giao thông đã tăng tới 6,05% trong tháng 6, dưới ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu. 

Người dân vẫn kỳ vọng giá thịt lợn có thể giảm trong thời gian tới.

Đơn cử, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 28/5 và ngày 12/6 với mức tăng rất lớn đã trực tiếp làm cho CPI chung tăng thêm 0,59%. Tiếp theo, giá thịt lợn trong tháng cũng vẫn neo ở mức cao, do nguồn cung chưa bảo đảm, cung chưa đáp ứng đủ cầu. Trung bình, giá thịt lợn trong tháng vẫn ở mức trên dưới 100.000 đ/kg tại nhiều địa phương, đẩy CPI tăng lên cũng như gây khó khăn cho đời sống người dân. 

“Về giá thịt lợn, cơ quan điều hành đã có các biện pháp hành chính và kinh tế để kéo giá xuống. Nhưng giá vẫn còn cao do có sự thiếu hụt nguồn cung so với cầu, một phần do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, việc tái đàn, duy trì sản lượng gặp khó khăn. Gần đây, Việt Nam đã chính thức nhập lợn sống với kỳ vọng giá thịt lợn giảm. Việc nhập cả lợn sống từ Thái Lan về giết mổ, ít nhiều làm giá lợn hơi giảm, nhưng giá thịt lợn ở nhiều chợ thậm chí còn nhích lên. Tuy nhiên, với việc nhập lợn với giá cả hợp lý hơn, cùng với các sự xuất hiện các điểm bán hàng bình ổn giá, người dân vẫn kỳ vọng giá thịt lợn có thể giảm trong thời gian tới,” bà Ngọc nhấn mạnh.

Trên thực tế, giá xăng dầu và thịt lợn vẫn là hai “ẩn số” khó đoán nhưng cũng là những yếu tố quan trọng nhất, góp phần quyết định mức lạm phát năm 2020.  Theo bà Nguyễn Thị Ban, trú ngõ 242 Nghi Tàm, việc giá thịt lợn “neo” ở mức cao, lại trong thời gian khá dài thật sự ảnh hưởng đến khả năng chi trả của những hộ có mức thu nhập bình thường. Đồng thời, cũng gây hạn chế đến khả năng lựa chọn thực phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Để kiểm soát lạm phát bình quân năm 2020 tăng mức dưới 4%, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn, giá dầu khó tăng mạnh. 

Tiếp đó, giá thịt lợn, cho dù có thể không giảm mạnh như mong đợi, nhưng cũng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới, khi Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn hơi, lợn giống, đồng thời người nông dân đẩy mạnh tái đàn. Do vậy, dự báo, lạm phát trung bình năm 2020 sẽ xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%) như đã đưa ra từ đầu năm 2020.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các năm trước, do thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, “đòn” COVID-19 làm cho nền kinh tế không chuyển động. Áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, xem xét lại vấn đề giá của bộ sách giáo khoa, giảm được giá thịt lợn…, như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được. Bên cạnh đó, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hài hòa... để chia sẻ áp lực tăng giá nhiên liệu, nhằm bình ổn giá trên thị trường nội địa. Hơn nữa, cần tận dụng hết năng lực lọc dầu trong nước để bổ sung tối đa cho nguồn cung đầu vào. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, giá xăng dầu và thịt lợn sẽ diễn biến theo hướng ổn định hơn, không quá đáng lo ngại. Việc khống chế đà tăng giá thịt lợn, kết hợp kéo giảm giá càng nhanh càng tốt thực chất là xác lập sự cân bằng trong quan hệ cung-cầu đối với mặt hàng rất nhạy cảm này. Hiện, hoạt động nhập khẩu lợn sống đang được thực hiện, nhằm tăng cường nguồn cung ra thị trường, tuy cũng chưa thể bù đắp đủ mức ngay như mong muốn. Hơn nữa, vấn đề này còn phụ thuộc vào thời gian đủ để tái đàn, cho ra lứa lợn mới. Với việc nhận diện thực trạng, các yếu tố tác động và tập trung điều hành, kiểm soát đà tăng giá của Chính phủ, các cơ quan chức năng, dự báo CPI có khả năng sẽ được khống chế dưới 4% như chỉ tiêu đề ra.

Lưu Hiệp
.
.
.