Không để điều hành giá thịt lợn bằng mệnh lệnh hành chính

Chủ Nhật, 21/06/2020, 07:50
Câu chuyện giá thịt lợn vẫn đang “nóng” trên mọi diễn đàn, từ Quốc hội đến các phương tiện thông tin đại chúng và trên từng mâm cơm mỗi gia đình. Giải bài toán giá thịt lợn không hề đơn giản, không thể áp dụng những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam để cắt nghĩa sâu xa nguyên nhân của sự đội giá và những biện pháp kiềm chế giá thịt lợn.


Phóng viên: Thưa ông, một trong những nguyên nhân hay được nhắc đến khiến giá thịt lợn tăng cao là do mất cân đối cung cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Thực tế đúng là nguồn cung không đáp ứng được cầu đã khiến giá thịt lợn lên cao. Việt Nam vẫn tồn tại các chuỗi cung ứng khép kín nhỏ lẻ, chủ yếu các tiểu thương đi mua thu gom từ các lò giết mổ lợn phân tán, ở chợ truyền thống vẫn chủ yếu là người buôn bán nhỏ. Trong khi, khâu trung gian nếu như trước kia chiếm 40% giá thành, thì nay bị tác động bởi dịch, gia tăng chi phí vận chuyển... đã tăng lên 45%.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam.

Tuy nhiên, vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có phát biểu rằng, giá thịt lợn hiện nay tăng cao là do cung không gặp cầu. Cá nhân tôi thấy quan điểm này không chính xác. Vì nếu cung cầu không gặp nhau thì tại sao trên thị trường người bán, người mua vẫn gặp nhau và tạo ra những giao dịch để mua được, bán được với giá 100.000 đồng/kg lợn hơi? Tôi nghĩ nếu cung không gặp cầu thì làm gì có giá, cũng có nghĩa là có hàng hoá mà không mua được, không bán được thì ngành chăn nuôi tan nát rồi và dẫn đến đổ bể nền kinh tế rồi. Hiểu như thế thì điều hành thị trường không thể thành công được.

Số liệu của cơ quan chức năng cho biết, năm 2018-2019, tổng đàn lợn giảm 11,5%, sản lượng thịt xuất chuồng giảm 13,7%. Năm 2020, trước dịch nhu cầu quý I cần 910.000 tấn, nhưng thực tế quý 1/2020 cung chỉ đạt 90%. Rõ ràng là cung thiếu hụt. Như vậy muốn điều tiết thì phải tăng cung, nhưng cung lại có độ trễ. Thực tế tái đàn hiện nay từ 24 triệu con để có tổng đàn 28 triệu con như năm 2018 đủ đáp ứng cung cầu thì phải cần thời gian. Như vậy, nếu  không khẩn trương lấp đầy nguồn cung thì giá còn cao và khó kéo xuống như mong muốn, tức phải đẩy mạnh nhập khẩu, có chính sách hỗ trợ nhập khẩu để tăng cung. Vì đó là quy luật của thị trường. Lấp đầy nguồn cung thì phải nhập khẩu nhưng vấn đề của người điều hành là phải làm sao nhập khẩu đảm bảo tiến độ và về lượng và thời gian.

Phóng viên: Nhưng có thực tế rõ ràng là thịt lợn từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian và đây chính là nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao đúng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Có yếu tố này nhưng không phải nguyên nhân chủ yếu. Vì hệ thống kinh doanh thịt lợn lâu nay vẫn thế, có thêm tầng nấc nào nữa đâu? Tỷ lệ giá từ thịt hơi ra thịt xẻ bán lẻ lâu nay vẫn bình quân là 1,8-1,9, trong đó thịt móc hàm đến thịt bán lẻ vẫn khoảng 40%, nay tăng lên chút 45-50%. Doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, trong đó có nhiều doanh nghiệp có mạng lưới cung ứng khép kín, nhưng không phải lực lượng chủ yếu đè bẹp, lấn át đựợc thị trường. 65% thị phần còn lại là được chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ; mạng lưới thu gom, giết mổ, mạng lưới bán lẻ... cũng đều là phân tán... hỏi sao chi phí không cao.

Việc điều tiết giá thịt lợn hiện nay bằng các biện pháp tăng cung, đáp ứng nhu cầu để "kéo" giá thị trường về mức hợp lý.

Mặt khác, chưa kể đến việc găm hàng chờ giá cao. 65% thị phần này mới là nhân tố có tính thống lĩnh thị trường, quyết định giá thị trường. Nhiều khẩu hiệu chúng ta thấy đã được đưa ra như sắp xếp lại hệ thống trung gian để giảm giá xuống. Đúng, nhưng là bao giờ? Chỉ khi tổ chức được hàng triệu hộ chăn nuôi hiện nay vào một chuỗi cung ứng khép kín từ chăn nuôi đến bán lẻ thì mới mong giảm được chi phí trung gian (có tổ chức được không lại là chuyện khác). Việc này lại đòi hỏi phải có thời gian, thế thì bây giờ làm  ngay sao làm được, để góp phần dập tắt tức thì "cơn sốt" này?

Nói thật, cứ ra đường người dân hỏi mình mua thịt lợn giá rẻ trên tivi hả bác mà mình buồn. Tóm lại không đánh giá đúng nguyên nhân cung cầu - cái gốc (cùng với chi phí) tạo ra giá - cái ngọn để điều tiết thì sẽ không thành công.

Phóng viên: Giá thịt lợn đang có tác động vào CPI. Nhưng như ông nói, không thể điều tiết giá thịt lợn bằng các mệnh lệnh hành chính. Vậy, chúng ta phải kiểm soát giá thịt lợn tác động đến CPI nên tính toán thế nào cho hợp lý?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Để kiểm soát CPI theo mục tiêu đề ra, chúng ta phải quan tâm điều tiết sự vận động của cả mặt bằng giá, chứ không chỉ giá thịt lợn. Với rổ hàng hóa đại diện tính CPI hiện nay khoảng 654 mặt hàng: Cơ chế vận hành của thị trường đan xen kết hợp giữa thị trường tự điều tiết dưới tác động của quan hệ cung – cầu cộng với những giải pháp kinh tế của Nhà nước tác động. Đối với giá thịt lợn, nếu chúng ta áp dụng có hiệu quả các giải pháp tăng cung kết hợp các giải pháp tài chính, tiền tệ… hy vọng giá sẽ giảm dần và sẽ hạn chế tác động thiếu tích cực đến CPI.

Thêm vào đó, Nhà nước còn áp dụng nhiều biện pháp khác tác động đến mặt bằng giá như: Luôn bảo đảm cân đối cung cầu, chưa điều chỉnh giá những mặt hàng Nhà nước còn định giá, giữ bình ổn lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, giữ lạm phát cơ bản theo mục tiêu đề ra… thì thị trường sẽ có những loại hàng hóa giá tăng, có loại giá giảm (hợp lý) bù trù cho nhau, đó là thị trường. Vì thế, việc điều tiết thị trường nói chung đầu tiên là phải tổ chức tiêu thụ hết hàng hóa cho người sản xuất với giá bảo đảm nguyên tắc tối thiểu là bù đắp chi phí sản xuất, lưu thông và có lãi hợp lý. Trên cơ sở đó, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng với giá chấp nhận được. Trong đó, việc điều tiết giá thịt lợn hiện nay bằng các biện pháp tăng cung để đáp ứng nhu cầu như: tái đàn, nhập khẩu, sắp xếp hợp lý mạng lưới lưu thông… để "kéo" giá thị trường về mức hợp lý vẫn phải bảo đảm được nguyên tắc trên.

Nhà nước không thể thả nổi giá lợn mà phải điều tiết bằng các biện pháp kinh tế như tăng nguồn cung, sắp xếp lại mạng lưới, hỗ trợ tài chính tiền tệ, kiểm soát gian lận thương mại... để tác động vào việc hình thành giá, kéo giá vận động về mức hợp lý.

Phóng viên: Theo ông, giá thành lợn hơi trên thị trường vào thời điểm này ở mức nào là hợp lý?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Theo tôi, giá thành chăn nuôi hiện nay khoảng 55.000-60.000 đồng/kg. Với nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất và có lãi cho người chăn nuôi thì giá lợn hơi khoảng 70.000 đồng/kg là phù hợp. Hiện nay, giá con giống rất cao, từ 3-3,5 triệu đồng/con, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao, tỉ lệ hao hụt (lợn bị chết) tăng do dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát hoàn toàn nên giá thành chăn nuôi lợn có thể lên tới 65.000 đồng/kg.

Nhưng những doanh nghiệp hoặc trang trại tự cung cấp được con giống để tái đàn, quy mô trang trại lớn thì giá thành chăn nuôi giảm được rất đáng kể, dao động trong khoảng 55.000-58.000 đồng/kg. Như vậy, với chi phí sản xuất nêu trên, cứ mỗi con lợn trọng lượng 100kg được xuất chuồng, doanh nghiệp và người chăn nuôi lãi 4-5 triệu đồng. Điều đáng mừng là sau khi chúng ta quyết định cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, giá thịt lợn hơi từ mức 100.000 đồng/kg đã bắt đầu giảm dần.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.