Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp Tết

Thứ Bảy, 02/01/2021, 09:27
Chỉ còn hơn tháng nữa là tới Tết Tân Sửu 2021, để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân, tính tới thời điểm hiện nay, các địa phương lớn trên cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ cho dịp Tết. Dự báo, nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết sẽ đầy đủ cho nhu cầu sử dụng với giá cả ổn định.


Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, dịp Tết Tân Sửu 2021, Hà Nội đã chuẩn bị 39.400 tỷ đồng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020. Trong đó có 13 mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn chiếm 35%. Nhìn chung, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố tương đối dồi dào. Nguyên nhân một phần do xuất khẩu khó khăn nên hàng hóa được dồn vào các địa phương lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Năm nay, Hà Nội đón nguồn hàng từ địa phương về tương đối nhiều. Có địa phương đưa hàng về 3,4 lần, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại để quảng bá cho hàng hóa, sản phẩm. Các doanh nghiệp dự trữ tăng cao 2 - 3 lần nên về cơ bản, hàng hóa Tết sẽ dồi dào với giá cả tương đối ổn định.

Nguồn cung đảm bảo, giá hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ không có biến động lớn.

Để phục vụ tối đa cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các tỉnh bán hàng hóa ổn định và lâu dài, năm nay, Hà Nội bố trí 28 điểm bán cố định. Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát tốt hàng hóa đầu vào; bố trí nhân lực, vật lực để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu về và xuất đi; hàng trung chuyển cho người dân phải được phun khử khuẩn đầy đủ, tránh lây nhiễm COVID-19.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện Đà Nẵng đã làm việc với 13 đơn vị bán buôn lớn trên địa bàn; tổng dự trữ hàng hóa toàn thành phố là 11.700 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái một chút nhưng sức mua hiện giảm nên nguồn hàng này đảm bảo nhu cầu của người dân trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu phục vụ thị trường TP Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ 3 nguồn hàng: nguồn hàng từ doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, từ chợ đầu mối và từ các doanh nghiệp khác. Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở, ngành, làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% – 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12% – 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, để kiểm soát thị trường Tết, Cục QLTT TP Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường cơ động tăng cường phối hợp thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố từ nay đến hết 28-2-2021. 

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần chú ý yếu tố này.

Về cung ứng hàng hoá, ông Trần Duy Đông cho biết, trước đó, ngay từ tháng 10-2020, Bộ Công Thương đã có chỉ thị gửi sở công thương các tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh; các phương án xử lý biến động bất thường của thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch dự trữ bình ổn thị trường. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cũng đều có kế hoạch tăng cường sản xuất, tăng dự trữ, nhập khẩu... bảo đảm cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ Tết Nguyên đán 2021.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khuyến nghị, người dân tránh tâm lý tích trữ hàng hóa. Đồng thời, lưu ý các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp, đưa ra các giải pháp điều tiết hàng hóa để tránh chỗ này thừa, chỗ khác lại thiếu. Bộ Công Thương sẽ thường xuyên bám sát tình hình cung cầu giá cả, đồng thời phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng... để ưu tiên kịp thời, bảo đảm tốt nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.

Lưu Hiệp
.
.
.