Ngành Công Thương phải lo đủ hàng hóa dịp Tết

Thứ Sáu, 27/12/2019, 17:35
Ngày 27-12, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.


Xuất khẩu điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế 2019

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, 12/12 chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Công Thương trong năm 2019 đều đạt được và đạt vượt mức. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động xuất nhập khẩu đã xác lập kỷ lục mới. 

Theo đó, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Kết quả này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay với mức xuất siêu gần 10 tỷ USD, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Thị trường nội địa ổn định và phát triển; Công tác hội nhập thu được kết quả đáng tích cực…Theo đó, tính đến hết năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết.

Kết quả này thể hiện một phần những cải cách của Bộ Công thương trong năm qua, đặc biệt là việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Công thương đã đạt được trong năm 2019. “Bộ đã làm được rất nhiều việc, có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thống Nhất)

Theo Thủ tướng, Bộ Công thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và phức tạp. Do đó, Bộ Công thương cần lưu ý: xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ; nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp Việt Nam bền vững; coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành Công thương. Đồng thời, cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu.

Về định hướng cho ngành Công thương trong năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, “mọi mặt phải tốt hơn năm 2019”, tiếp tục phương châm “hành động, bứt phá, hiệu quả” để về đích vượt so với kế hoạch 5 năm 2016-2020. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 mục tiêu quan trọng năm 2020 đối với ngành công thương: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%. Với mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất và tiêu dùng, xuất nhập khẩu. Thủ tướng cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu nội địa lớn, do đó, Bộ Công thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ.

Thủ tướng thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử ( ảnh Thống Nhất)

Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chú trọng các thị trường tiềm năng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư. Tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài. Phải bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh. 

Trước ý kiến góp ý cần tiếp tục phát triển điện than để đáp ứng nhu cầu điện, Thủ tướng cho rằng không nên mà phải theo hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cần xem xét kỹ, rất hạn chế việc phát triển mới các dự án điện than và cần kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường - một nhiệm vụ đối với Bộ Công thương chứ không chỉ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Hội nghị, Thủ tướng thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử.


Lưu Hiệp
.
.
.