Cần thận trọng trong việc đề xuất cơ quan Thuế thu bảo hiểm xã hội
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này không khả thi, bởi 2 chính sách hoàn toàn khác nhau…
Mục tiêu đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là nhằm “cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng BHXH; cắt giảm và đơn giản hóa TTHC như đơn vị SDLĐ chỉ khai và nộp thuế- BHXH tại một cơ quan; giảm thời gian kê khai thuế- BHXH (thực hiện trên cùng một tờ khai); cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thanh kiểm tra việc nộp thuế và BHXH, minh bạch hoá TTHC và phát triển đối tượng tham gia BHXH”.
Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 giải pháp. Giải pháp 1 (như hiện hành), đó là cơ quan Thuế và BHXH phối hợp thu BHXH theo quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam). Giải pháp 2, cơ quan Thuế thực hiện thu các khoản BHXH mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị SDLĐ; song cơ quan Thuế phải nắm vững nghiệp vụ thu BHXH, tổ chức sắp xếp lại bộ máy 2 cơ quan, số lượng lao động điều chuyển sau khi chuyển đổi mô hình.
Từ thực tế thực hiện chính sách BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu rõ: “Đối tượng của cơ quan Thuế và BHXH khác nhau. Cơ quan Thuế theo dõi đầu mối doanh nghiệp. Còn cơ quan BHXH theo dõi đến từng cá nhân người lao động suốt cả cuộc đời cho đến khi chi trả lương hưu và đến lúc chết thì chi trả tiền tuất”.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, thu thuế chỉ có một quy trình, trong khi thu BHXH có từ 8-9 quy trình như tư vấn, hướng dẫn, lập danh sách, xét duyệt, thẩm định và chi trả chế độ. Như vậy, không thể nào chuyển toàn bộ nhiệm vụ này sang Thuế thu được. “Cải cách là rất tốt, nhưng phải thận trọng, tránh để đưa vào Luật rồi khó thực hiện, lại phải sửa…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.