Mạnh tay xử lý các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH

Thứ Hai, 20/11/2017, 10:44
Hiện nay tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội đã lên tới 14.700 tỉ đồng, khiến khoảng 2,6 triệu lao động có nguy cơ không được thụ hưởng các chính sách về y tế, hưu trí. Trong khi đó, việc công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp lại đang gặp nhiều vướng mắc. Có thêm chức năng thanh tra thu, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng mới chỉ thu hồi được một phần nợ đọng.


Việc hình sự hóa nợ đọng, trốn đóng BHXH đang được hy vọng sẽ là chiếc phao cứu cánh để giải quyết triệt để tình trạng trên.

Hàng loạt đơn vị nợ lớn, nợ dài

Là địa phương có số nợ BHXH lớn nhất cả nước, thế nhưng không ít người sẽ giật mình trước số nợ và thời gian nợ của 50 đơn vị mà BHXH TP Hà Nội vừa “điểm danh”. 

Tính đến tháng 10- 2017, số tiền các doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH trên địa bàn thành phố là 2.963,2 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể, không còn lao động). 

Trong đó, có 50 doanh nghiệp đứng đầu về số nợ BHXH lớn với thời gian từ 6 tháng trở lên với tổng số nợ hơn 496 tỷ đồng. Đứng đầu là Công ty cổ phần LILAMA 3 với số tiền nợ 27,9 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment với số tiền 22,698 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên VINAXUKI (xã Tiền Phong, Mê Linh) 16,752 tỷ đồng… 

Trong số 50 doanh nghiệp đứng đầu về số nợ, có 4 doanh nghiệp có số tháng nợ BHXH của người lao động trên 100 tháng là: Công ty cổ phần Đầu tư & XD Công trình 128 Cienco 1 (Mộ Lao, Hà Đông) nợ 11,287 tỷ đồng với thời gian nợ 111 tháng; Công ty CP XD số 12 Thăng Long (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) nợ 107 tháng số tiền 5,858 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) nợ 102 tháng số tiền 6,922 tỷ đồng; Công ty CP 116-Cienco 1 (Phúc Đồng, Long Biên) nợ 101 tháng số tiền 15,005 tỷ đồng...

Tình trạng nợ đọng, chây ì BHXH đang ảnh hưởng tới quyền lợi của 2,6 triệu lao động.

Theo đại diện BHXH TP Hà Nội, 50 đơn sử dụng lao động để nợ đọng BHXH với số tiền lớn, thời gian kéo dài từ 6 tháng trở lên đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 7.000 lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. 

Vấn đề nợ đọng BHXH, chây ỳ của nhiều doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như việc hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản, thất nghiệp không được giải quyết, về hưu không được lấy sổ, chuyển công tác không được chốt sổ... mà còn ảnh hưởng tới niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật” ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết.

Cần thiết sẽ xử lý hình sự

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua 2 năm thực hiện việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án, các cấp Công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang, đã gửi đơn kiện đến các cấp Tòa án 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH. 

Trong số đó, tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải 28 vụ, tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại Tòa án không thụ lý giải quyết với nhiều lý do. Việc tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng. 

Cũng theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn rất lớn, cả nước có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có hơn 235.000 doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%. Tỉ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp (24,%).

Trong bối cảnh tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH đang ngày càng phức tạp, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban thu BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan BHXH Việt Nam đang chờ Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực và có các văn bản hướng dẫn, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ các doanh nghiệp cho lực lượng công an để truy cứu trách nhiệm hình sự các đơn vị này. 

“Khi luật có hiệu lực, phía BHXH Việt Nam sẽ làm công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc nợ, trốn đóng BHXH cho các doanh nghiệp để họ nắm bắt được. Sau đó, chúng tôi sẽ đi thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp đang vi phạm. Nếu đơn vị nào vẫn cố tình chây ì, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang phía cơ quan điều tra để hình sự hóa tội danh này. Bộ luật Hình sự sửa đổi đã được thông qua và chúng tôi đang chờ các văn bản hướng dẫn từ các cơ quan chức năng”, ông Đại cho biết. 

Khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, việc khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm này ra tòa sẽ chỉ là biện pháp cuối cùng. Trước mắt, BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào công tác đôn đốc kiểm tra, thanh tra, sau đó sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vì đây là biện pháp cứng và rất mạnh. 

“Khởi kiện anh chỉ đưa ra tòa, rồi thắng kiện, thua kiện thôi. Còn đây là hình sự hóa tội danh lên, biện pháp sẽ mạnh hơn rất nhiều. Tôi nghĩ làm tốt biện pháp này thì sẽ không phải khởi kiện nữa. Ngay với việc chúng tôi đi thanh tra xử phạt cũng đã có nhiều doanh nghiệp đã chấp hành, thì tôi cho rằng với biện pháp mạnh như thế chắc chắn sẽ không doanh nghiệp nào dám trốn đóng BHXH nữa và sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng này”, ông Đại nói.

Phan Hoạt
.
.
.