Tiếp thu ý kiến góp ý Nghị định về lệ phí trước bạ:Tránh mở rộng quá mức đối tượng ưu đãi

Thứ Bảy, 10/11/2018, 07:35
Sau hơn 1 tháng lấy ý kiến góp ý về của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ (LPTB), Bộ Tài chính đã “chốt” một số điều khoản quan trọng.


Khuyến khích xe thân thiện môi trường nhưng không hạ LPTB

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã nhận được 79 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân (15 ý kiến tham gia của các bộ; 50 ý kiến tham gia của các địa phương; 14 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác). 

Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị định (44/79 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị định. 

Sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ Tài chính đã giải trình về một số nội dung, gồm giá tính LPTB; mức thu LPTB; miễn LPTB; khai, thu, nộp LPTB; và hiệu lực thi hành cùng các ý kiến khác, trong đó những nội dung quan trọng, “sát sườn” với từng người dân.

Cụ thể, về mức thu LPTB đối với xe máy điện, ôtô điện/hybrid, có ý kiến đề nghị quy định mức thu LPTB theo hướng khuyến khích sử dụng đối với các loại xe này. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định mỗi sắc thuế, phí, lệ phí có mục tiêu, yêu cầu điều chỉnh khác nhau. Lệ phí (trong đó có LPTB) chỉ là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý Nhà nước, không nhằm bù đắp chi phí, đảm bảo công bằng, bình đẳng. 

Hiện nay, để khuyến khích sản xuất và sử dụng các dòng xe ôtô sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, thì sử dụng các chính sách thuế, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định mức thấp đối với dòng xe này.

Còn đối với mức thu LPTB đối với ôtô, xe máy, ý kiến đề nghị quy định thống nhất mức thu LPTB lần đầu đối với xe máy và ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi kể cả lái xe; đề nghị bỏ việc thu LPTB lần thứ 2 trở đi đối với ôtô, xe máy để khuyến khích người dân làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán tài sản. 

Bộ Tài chính cho biết quy định hiện hành về mức thu LPTB lần đầu đối với ôtô, xe máy có phân biệt theo địa bàn đăng ký quyền sở hữu là nhằm góp phần hạn chế việc gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân tại các thành phố lớn; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. 

“Quy định hiện hành về mức thu LPTB lần thứ 2 trở đi với mức thu 2% (quy định trước đây là bằng mức thu lần đầu) và áp dụng thống nhất trên toàn quốc là để khuyến khích người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ”, Bộ Tài chính thông tin và cho biết thêm theo pháp luật về LPTB hiện hành (Nghị định số 140/2016/NĐ-CP), mức thu LPTB đối với tài sản khống chế tối đa là 500 triệu đồng/tài sản/lần trước bạ, trừ ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống, tàu bay, du thuyền. Quy định này là cần thiết và phù hợp với quy định về khoản thu lệ phí nói chung và nguyên tắc xác định mức thu LPTB nói riêng tại Luật Phí và Lệ phí.

Không bù đắp chi phí, đảm bảo công bằng, bình đẳng

Theo quy định, LPTB chỉ là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý Nhà nước, không nhằm bù đắp chi phí, đảm bảo công bằng, bình đẳng. Bởi vậy, Bộ Tài chính đã phản bác ý kiến đề nghị bổ sung quy định trường hợp cả 2 vợ chồng là đồng sở hữu nhà, đất tặng nhà, đất cho vợ chồng anh, chị, em ruột của vợ (hoặc chồng) được miễn 50% LPTB. 

Cơ quan soạn thảo cho rằng điều này là phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự về quan hệ thừa kế, đồng bộ với các chính sách ưu đãi tại các sắc thuế khác và tránh việc mở rộng quá mức đối tượng ưu đãi (miễn, giảm) LPTB, và đề nghị giữ quy định hiện hành tại khoản 10 Điều 4 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giải trình lý do không bổ sung miễn LPTB đối với xe buýt; chủ sở hữu căn hộ chung cư cũ đăng ký sở hữu căn hộ chung cư mới do dự án cải tạo chung cư cũ... Riêng với xe ôtô kinh doanh được thanh lý do hết niên hạn sử dụng, tại Thông tư số 301/2016/TT-BTC quy định giá trị còn lại của tài sản để tính LPTB bằng giá trị tài sản mới nhân (x) với tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của tài sản. Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của tài sản đối với tài sản đã sử dụng trên 10 năm là 20%. 

“Như vậy, số tiền LPTB phải nộp đối với tài sản đã qua sử dụng khi đăng ký quyền sở hữu là không lớn do giá tính LPTB được tính theo giá trị còn lại của tài sản với mức thu thấp (2%). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không bổ sung miễn LPTB đối với xe ôtô kinh doanh vận tải đăng ký lại do thanh lý hết niên hạn sử dụng”, cơ quan này giải trình.

Đáng chú ý, về đối tượng chịu LPTB, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đầu máy, toa xe đường sắt vào đối tượng chịu LPTB do các loại phương tiện này tham gia giao thông công cộng. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính dẫn quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BGTVT ngày 27-4-2018 của Bộ Giao thông vận tải thì phương tiện giao thông đường sắt, gồm đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

“Hiện nay, phương tiện giao thông đường sắt chỉ phục vụ mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách. Vì vậy, đề nghị không bổ sung đầu máy, toa xe vào đối tượng chịu LPTB”, Bộ Tài chính cho biết. 

Ngoài ra, do một bộ phận dân cư sở hữu tàu bay nên tại Nghị định số 140/2016/NĐ-CP (kế thừa quy định trước đây) quy định tàu bay thuộc đối tượng chịu LPTB và miễn LPTB đối với tàu bay sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa...

Phí trước bạ tăng, xe bán tải sẽ đội giá

Tại dự thảo Nghị định về LPTB, Bộ Tài chính quy định mức thu LPTB lần đầu đối với xe pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, xe tải VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg là: Mức thu LPTB lần đầu bằng 60% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô con (trong khung 10-15%). Mức thu LPTB lần thứ 2 trở đi là 2%. Khi đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, chắc chắn giá xe dòng xe bán tải tăng lên khá nhiều. Nếu ước tính về mặt con số, mức LPTB lần đầu của xe pick-up và xe van sẽ lên mức 6 - 9%.

Một chuyên gia trong ngành ôtô - xe máy lấy ví dụ, một chiếc Mazda BT-50 phiên bản 3.2L hiện có giá bán là 830 triệu đồng, mức thu phí trước bạ tại Hà Nội là 2%, tương đương 16,6 triệu đồng. Nếu theo đề xuất của Bộ Tài chính, chiếc xe bán tải này sẽ bị áp mức phí trước bạ mới là từ 41,5 - 74,7 triệu đồng. Khi đó, lợi thế về giá bán của xe bán tải sẽ không còn, chưa kể việc dòng xe này chỉ được phép lưu hành tối đa là 25 năm (theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP).

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, họ lựa chọn xe bán tải vì nhiều công năng, cũng như vì mức thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đều thấp hơn xe con. Nếu như dự thảo của Bộ Tài chính được thông qua, thì xe bán tải xe mất đi nhiều ưu thế. (B.K)

Lệ Thúy
.
.
.