Bất hợp lý trong cách tính giá xăng dầu vì chênh lệch thuế
- Đề xuất tăng chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lên 15 ngày
- Bộ Tài chính đề nghị thay đổi cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu
- Thành lập tổ công tác điều chỉnh giá xăng dầu cho ngành Thủy sản
Điều này đã khiến người tiêu dùng phải trả tiền cho mức giá xăng dầu cao hơn thực tế, còn doanh nghiệp được lợi. Vấn đề đặt ra là phải xem xét lại công thức tính giá cơ sở sao cho hợp lý, nhất là khi chênh lệch thuế các mặt hàng xăng dầu giữa các nguồn nhập khẩu khác nhau sẽ càng cao hơn trong năm nay.
Việc thực hiện các cam kết hội nhập với nhiều mức thuế xăng dầu khác nhau đang gây khó cho điều hành giá. |
Theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính, bắt đầu từ 1-1-2015, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả nhập từ ASEAN chỉ có mức thuế 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0% (gọi là thuế ATIGA, theo cam kết của Việt Nam với khu vực). Tuy nhiên, trong suốt cả năm 2015, mức thuế để tính giá cơ sở theo công thức tính giá xăng dầu vẫn là thuế MFN. Chênh lệch này đã khiến người tiêu dùng phải “móc túi” nhiều hơn, và các doanh nghiệp đầu mối càng nhập khẩu nhiều xăng dầu từ ASEAN thì càng được lợi.
Theo số liệu từ cơ quan hải quan, năm 2015, số lượng dầu diesel nhập từ ASEAN chiếm đến 53,06% trong tổng số 8,33 triệu tấn diesel tiêu thụ cả năm. Nhìn chung các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu trong năm 2015 từ các nước ASEAN tăng mạnh, như từ Singapore với 3,84 triệu tấn, tăng 48,2%; Thái Lan: 2,28 triệu tấn, tăng gần 3 lần; trong khi nhập khẩu từ Đài Loan lại chỉ còn 807 nghìn tấn, giảm 35,8%... so với năm 2014. Với mức thuế chênh 5%, khoản lợi nhuận này không phải là nhỏ.
Chênh lệch thuế các mặt hàng xăng dầu giữa các nguồn nhập khẩu khác nhau sẽ càng cao hơn trong năm nay. |
Tuy nhiên, con số cụ thể là bao nhiêu thì chỉ có doanh nghiệp biết, và cơ quan chức năng nhập cuộc tính toán mới biết rõ. Ngày 12-3, PV Báo Công an nhân dân đã liên hệ với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để hỏi về tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN trong năm 2015, nhưng đại diện tập đoàn cho biết “chưa có con số này”, dù báo cáo tài chính của tập đoàn đã được công bố từ tháng trước.
Việc tiếp cận các con số chính xác vào thời điểm này là vô cùng khó khăn, nhưng để hình dung mức lãi doanh nghiệp có thể có từ chênh lệch thuế, có thể tạm tính bình quân giá diesel theo Bộ Công Thương công bố (theo giá Platt Singapore) 6 tháng cuối năm 2015 (từ ngày 5-7-2015 đến 3-1-2016) là 57 USD/thùng. Với mức giá trung bình này, nếu chênh 5% thuế, doanh nghiệp sẽ được lợi khoảng 2,85 USD/thùng. Đây là mức lợi chưa có thuế, phí, nên có những thời điểm doanh nghiệp sẽ được hưởng 500 – 600 đồng/lít nhờ vào chênh lệch thuế.
Mức chênh do thuế năm 2016 sẽ ngày càng lớn hơn, do năm nay thuế diesel, madut, jet A1, dầu hỏa nhập từ ASEAN đã về mức 0%, đồng thời thuế xăng nhập từ Hàn Quốc sẽ về mức 10%, bằng một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.
Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, lẽ đương nhiên các doanh nghiệp sẽ lựa nhập khẩu hàng từ khu vực nào mang lại nhiều lợi nhuận nhất, giá rẻ nhất, chỉ những ai không làm điều này mới là bất thường. Các doanh nghiệp cũng không vi phạm gì, mà vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề ở chỗ các cơ quan điều hành của Nhà nước cần tính toán làm sao để giải quyết vấn đề trên.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho biết, việc điều hành giá xăng dầu vẫn tuân thủ Nghị định 83 của Chính phủ, với thuế, phí áp dụng theo Thông tư 73 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Nghị định. Việc phân định đâu là xăng dầu nhập từ ASEAN và đâu là xăng dầu nhập từ các thị trường khác với thuế cao trong mỗi lần điều hành là gần như không thể. Doanh nghiệp nhập bao nhiêu, được lợi bao nhiêu từ nhập nguồn thuế thấp phải cần thời gian để tính toán, trong khi chu kỳ điều chỉnh giá là 15 ngày vẫn phải tuân thủ. Cũng không thể đưa ra công thức tính giá phân biệt hàng nhập từ nguồn này một giá, nguồn kia một giá.
Vị chuyên gia này cho rằng, để giải quyết bài toán này có một cách là tính chung một mức thuế đối với tất cả các thị trường, ví dụ ở mức 7%. Vị này cho rằng, việc áp thuế 7% cũng sẽ “cứu” được Dung Quất, bởi mức này cũng tương đương với chi phí vận tải, bảo hiểm… mua từ các thị trường khác về (tất nhiên con số không tuyệt đối và không đúng với mọi thời điểm). Tuy nhiên, đây cũng chưa phải cách căn cơ để giải quyết vấn đề, bởi còn phải tính toán đến tác động vào nguồn thu trong nước và việc thực hiện các cam kết.
Được biết, sắp tới Hiệp hội Xăng dầu cũng sẽ làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để bàn bạc các vấn đề liên quan đến thuế các mặt hàng xăng dầu, xem xét các tác động đến giá cả trong nước và cả thu ngân sách.