Tăng cường, kiểm tra giám sát trong tháng cao điểm cuối năm
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường, kiểm tra giám sát trong tháng cao điểm, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Trong tháng 12, là thời điểm Tết Dương lịch và cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, không khí thị trường hàng hóa những ngày này đang sôi động. Hiện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa hầu như đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa để phục vụ tết với nhiều mẫu mã phong phú và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn.
Đây thường là dịp xảy ra những biến động về giá hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Do đó, cần phối hợp với các đơn vị có liên quan để kiểm tra và theo dõi sát diễn biến thị trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT để người dân có thể yên tâm mua sắm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn ổn định. Nguồn cung của các mặt hàng nhu yếu phẩm như hải sản tươi sống, thịt gia cầm, nước giải khát, hoa quả, trái cây, rau xanh.... đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; không có hiện tượng găm hàng, sốt giá, tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, Đội cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên khâu lưu thông, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo thống kê, tới tháng 11/2024 Đội QLTT số 1 đã kiểm tra 231 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 67 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 967.653.000 đồng (vượt chỉ tiêu do Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận giao năm 2024. Trị giá hàng tịch thu: 549.190.000 đồng. Trị giá hàng tiêu huỷ: 86.659.00 đồng.

Tương tự, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tình hình cung cầu hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, giá cả các mặt hàng được kiểm soát tốt và giữ mức ổn định. Nhìn chung chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý. Các hộ kinh doanh đã có ý thức thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dược phẩm, một số cơ sở vi phạm về niêm yết giá bán hàng hoá, kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra trên địa bàn chưa đúng theo quy định. Kết quả, trong tháng 11, lực lượng đã kiểm tra 63 vụ việc, phát hiện 47 vụ vi phạm; lũy kế 11 tháng đầu năm đơn vị kiểm tra 744 vụ việc, phát hiện 415 vụ việc vi phạm. Trong tháng 11/2024, tổng số thu nộp ngân sách của QLTT tỉnh Tây Ninh gần 420 triệu đồng; lũy kế 11 tháng đầu năm, đơn vị thu nộp ngân sách trên 4,9 tỷ đồng (trong đó, thu nộp ngân sách địa phương hơn 880 triệu đồng, thu nộp ngân sách Trung ương hơn 4 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh, đơn vị đã chỉ đạo Đội QLTT phụ trách địa bàn tăng cường chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, kiểm tra, giám sát thị trường hàng hoá, đồng thời xử lý nghiêm hành vi găm hàng, hành vi không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết và các hành vi gian lận thương mại khác; kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, đơn vị cũng tích cực tham gia vào các Đoàn kiểm tra chuyên ngành. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề mặt hàng xăng dầu; phân bón; thương mại điện tử; các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Cùng với đó, đơn vị sẽ tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới các cơ sở kinh doanh cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tích cực kiểm tra ngăn chặn các hành vi mua bán vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu từ biên giới vào nội địa, các nơi tập kết, điểm lên xuống hàng hóa. Rà soát, phân loại website bán hàng, sàn thương mại điện tử, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử…
Thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2024, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác QLTT trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến tháng 11/2024, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách đã đăng ký, với số vụ xử phạt vi phạm hành chính là 332 vụ, số tiền thu nộp ngân sách trên 4 tỷ đồng và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 06 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Từ nay đến cuối năm 2024, Cục QLTT Sóc Trăng bám sát các chỉ đạo của cơ quan cấp trên kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm trọng điểm, tiếp tục nắm thông tin địa bàn để xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2025, đặc biệt là tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm, dịp trước, trong và sau tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh Điện Biên thực hiện hoàn thành 100% Kế hoạch định kỳ năm 2024 đã kiểm tra 748/748 vụ (đạt 100% Kế hoạch), phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 264 vụ, thu nộp NSNN Trung ương 536,625 triệu đồng. Hoạt động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý VPHC, quá trình kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thông qua công tác kiểm tra, xử lý VPHC kết hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đồng thời vận động ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại... Góp phần giữ vững, ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thông tin về công tác đấu tranh cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Vũ Quang Thắng, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, QLTT Quảng xác định cụ thể tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để triển khai thực hiện Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát trên tuyến biên giới và trên các tuyến giao thông đi qua địa bàn đối với những mặt hàng trọng điểm như: Đường cát, rượu, bia, nước giải khát, pháo nổ, máy móc các loại, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng,...; trong thị trường nội địa tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đối với những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết nguyên đán như: Thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, quần áo, giày dép, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm,.... chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân dịp Tết. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.
Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Riêng đối với các Đội QLTT địa bàn tại tuyến biên giới đất liền phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), cần chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới đất liền phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn.
Ông Lê Văn Tỵ, Đội trưởng Đội QLTT số 11 chia sẻ, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý, đội sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở. “Đồng thời tăng cường nắm địa bàn, hoạt động của thị trường về hình thức, quy mô, tính chất hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Đặc biệt sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và triển khai ký cam kết đến từng hộ kinh doanh, đơn vị vận chuyển hàng hóa để nâng cao ý thức, ngăn chặn hành vi vi phạm”, ông Tỵ cho biết thêm.
Gia Lai: Đội QLTT số 2 xử phạt hơn 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra và xử lý 6 trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tổng số tiền xử phạt hành chính lên đến 534.540.000 đồng, đồng thời tịch thu 1 cột đo xăng dầu trị giá 152.820.000 đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Tác động cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực; Bán hàng hoá có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trong thời gian tới, Đội QLTT số 2 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đồng thời chú trọng phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, sự minh bạch của thị trường và góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Kiểm tra, tạm giữ trên 2.000 “Túi mù” không rõ xuất xứ, đăng bán trên TMĐT
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch công tác về thương mại điện tử của Cục QLTT tỉnh Hậu Giang, Đội QLTT số 1 tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Qua giám sát, Đội đã phát hiện Hộ kinh doanh T.H sử dụng tài khoản Facebook "THÚY HÒA" giới thiệu, đăng bán các sản phẩm “Túi mù”.
Sau khi thẩm tra xác minh, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh T.H; địa chỉ: khu vực 1, phường I, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có trưng bày bán các sản phẩm đúng theo hình ảnh trên tài khoản Facebook "THÚY HÒA", số lượng là trên 2.000 sản phẩm “Túi mù” các loại. Toàn bộ hàng hóa có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn bằng tiếng Việt Nam và hàng hóa ko có nhãn, không thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm đối với hàng hóa, chủ hộ kinh doanh không có không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa xử lý theo quy định pháp luật.
Từ những chiếc hộp bí ẩn đến các gói hàng nhỏ xinh, trào lưu "túi mù" đang trở thành một hiện tượng toàn cầu. Trào lưu "xé túi mù" mang lại những giây phút thư giãn, giải trí, nhưng nó cũng đi kèm với nhiều hệ lụy tiêu cực. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng cơ hội này để sản xuất hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, gây tổn hại cho người tiêu dùng. Đội QLTT số 1 khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua “túi mù", những sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn cho người sử dụng.
Để bảo đảm quyền lợi, khi mua hàng hóa người tiêu dùng cần lựa chọn nơi mua hàng đáng tin cậy, đọc kỹ thông tin, chi tiết sản phẩm. Thời gian tới, Đội QLTT số 1 tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp tổ chức thực hiện giám sát các đối tượng kinh doanh có dấu hiệu vi phạm trên các lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mai và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán tràn lan các sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ nói chung và sản phẩm “Túi mù, Hộp mù” nói riêng. Không để các sản phẩm đồ chơi nói trên len lỏi vào căn tin trường học, tiếp xúc gây ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em.