Nhiều Cục Quản lý thị trường vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2024
Với sự chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của tập thể công chức Quản lý thị trường (QLTT) trong 11 tháng, nhiều đơn vị đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua về số thu nộp ngân sách nhà nước năm 2024.
Nỗ lực về đích
Theo Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận, trong 11 tháng năm 2024, Cục đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,55 tỷ đồng; hoàn thành vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2024. Cụ thể, Cục đã thanh tra, kiểm tra 633 vụ, phát hiện và xử lý vi phạm 135 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,55 tỷ đồng (đạt 104% chỉ tiêu năm 2024); trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 1,1 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm nay công tác kiểm tra, kiểm soát được Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc điển hình; chú trọng đến công tác kiểm tra, kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử. Một số vụ việc điển hình như: Cụ thể, vào ngày 13/5/2024, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH kinh doanh vàng trang sức X (tên đối tượng vi phạm đã được thay đổi).
Qua kiểm tra, phát hiện công ty trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (mặt hàng: Còng Ximen gắn nhãn hiệu Chanel (KLV: 5c505 - HLV 610); Còng vuông khứa gắn nhãn hiệu Chanel (KLV: 1c685- HLV 610); Nhẫn hột trắng + gét gắn nhãn hiệu (KLV:1c745 - HLV 610); Lắc miếng khứa bọng gắn nhãn hiệu (KLV 3c00 - HLV 980), tổng trị giá: 60.774.000 đồng). Đã xử phạt vi phạm hành chính 90.000.000 đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tiếp đến, qua công tác giám sát địa bàn cũng như theo dõi các trang mạng xã hội Facebook bán hàng trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 10/7 đến ngày 11/7/2024, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với điểm kinh doanh của ông A và ông B (tên đối tượng vi phạm đã được thay đổi). Qua kiểm tra phát hiện 2 địa điểm trên đang kinh doanh hàng hóa nhập lậu gồm: đầu lọc thuốc lá điện tử, máy hút thuốc lá điện tử, tinh dầu thuốc lá điện tử (tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 95.540.000 đồng). Đã xử phạt vi phạm hành chính 33.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Tương tự, theo Cục QLTT Bình Định cũng hoàn thành Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024. Năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ tổng số 185 tổ chức, cá nhân và đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch 185 tổ chức, cá nhân, đạt 100% kế hoạch, phát hiện 4 tổ chức, cá nhân vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5 triệu đồng.
Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã hoàn thành kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024, chuẩn bị xây dựng cho Kế hoạch kiểm tra định kỳ trong năm 2025. Theo đó, kiểm tra năm 2024 gồm 160 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: TMĐT hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; xăng dầu, kinh doanh khí (LPG); mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; kinh doanh hàng điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, kinh doanh rượu, các sản phẩm thuốc lá; các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Các Đội QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, thực hiện kiểm tra các nội dung theo Kế hoạch. Quá trình kiểm tra theo Kế hoạch nhìn chung các cơ sở được kiểm tra đều chấp hành các quy định của pháp luật đối với các nội dung được kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ sở vi phạm trong lĩnh vực giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm; vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh khí… Các Đội QLTT đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả: Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 15/11/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra 160/160 cơ sở (đạt 100% Kế hoạch). Trong đó, đã phát hiện và xử lý 25 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt VPHC 106.500.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 38.750.000 đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, các Đội QLTT đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng cơ sở kinh doanh, vận động không tham gia, tiếp tay để mua bán, tiêu dùng hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. “Đa phần các cơ sở kinh doanh được kiểm tra và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp, có nhãn hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở vi phạm chưa chấp hành đầy đủ các quy định trong hoạt động kinh doanh như: không thực hiện niêm yết giá bán hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật”, đại diện Cục QLTT Bình Định cho hay.
Song song với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức đa dạng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại cho các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự kỷ cương pháp luật, bảo vệ hoạt động thương mại hợp pháp, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhằm kịp thời phổ biến các chủ trương của Đảng, đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử tới các các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại. Trong hai tuần đầu tháng 11/2024, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc) đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử cho 200 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường. Tại hội nghị, các cơ sở kinh doanh đã được các báo cáo viên của sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Cục QLTT giới thiệu các chuyên đề với nội dung như sát với tình hình diễn biễn thị trường trong giai đoạn hiện nay, xu hướng trong thời gian tới, các văn bản quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử; Kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại có yếu tố thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả xử lý vi phạm của lực lượng chức năng;....đồng thời được trao đổi, thảo luận với các báo cáo viên về các vấn đề liên quan. Thông qua hội nghị các đại biểu tham dự đã được trang bị những kiến thức, quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử nói góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Đỗ Du Bắc, Cục trưởng Cục QLTT Lào Cai cho biết, để kiểm tra kiểm soát tốt thị trường, ngay từ đầu năm QLTT Lào Cai đã xây dựng các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, chương trình kiểm tra chuyên đề... Tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh trong TMĐT thông qua các website bán hàng, trang mạng xã hội facebook, zalo... phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định. Giám sát việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại các chợ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hạn chế tối đa xảy ra hiện tượng kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm....Phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về buôn bán, tập kết, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và trong thị trường nội địa.
Trong 11 tháng đầu năm, lực lượng QLTT Lào Cai đã kiểm tra 880 vụ; xử lý vi phạm 691 vụ; tổng số thu nộp ngân sách hơn 6 tỉ đồng. Qua công tác giám sát, kiểm tra, nhìn chung các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên còn tồn tại một số vi phạm như: Không niêm yết giá; trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ... các hành vi vi phạm đã được lực lượng QLTT xử lý nghiêm theo quy định. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn thời gian qua không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm, các vụ việc vi phạm mang tính chất nhỏ lẻ. Lực lượng QLTT đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong tháng 11, các đơn vị nghiệp vụ QLTT Lào Cai đã kết quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát kiểm tra 26 vụ, phát hiện vi phạm 25 vụ; trị giá hàng hóa vi phạm 218.316.000 đồng.
Theo ông Đỗ Du Bắc, cao điểm cuối năm lực lượng QLTT Lào Cai sẽ tập trung kiểm tra ác mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm: Thuốc lá, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại, xăng dầu, LPG...Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Các đơn vị chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, trên các địa bàn, tuyến trọng điểm.
Theo Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT Ninh Thuận, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tập trung lực lượng, triển khai tốt Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 qua địa bàn tỉnh; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2024.
Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 bám sát Định hướng chương trình kiểm tra của Tổng cục QLTT, bám sát thực tế với hoạt động, sản xuất kinh doanh của từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Chủ động rà soát, cập nhật, thống kê quản lý địa bàn.
Bắc Giang giám sát chất lượng hàng hóa tại Tuần lễ thương mại quốc gia và Online Friday 2024
Cục QLTT tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa tại Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024. Thời gian diễn ra Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia bắt đầu từ ngày 25/11/2024 đến hết ngày 01/12/2024. Thời gian ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 là 60 giờ, kể từ 0h00' thứ Sáu, ngày 29/11/2024 đến 12h00' ngày 01/12/2024. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Đội trưởng Đội QLTT trực thuộc chỉ đạo công chức tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm lợi dụng TMĐT, hoạt động livestream bán hàng thông qua các nền tảng di động, website bán hàng, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...Trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiểm tra, xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cục QLTT tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị cần chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động quản lý, giám sát các mô hình kinh doanh trên các ứng dụng công nghệ số, mua bán hàng hóa trên môi trường không gian mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh trên sản TMĐT, trên các nền tảng số, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến.