V.League mất cân bằng vì quá ít suất xuống hạng

Thứ Sáu, 16/10/2020, 07:35
Phải rất lâu, mô hình kim tự tháp ngược trong bóng đá mới được điều chỉnh tại Việt Nam. Nhưng trong đó, một chi tiết khiến cho V.League vẫn mất đi sự cân bằng và thiếu đi tính hấp dẫn chính là quá ít đội bóng phải xuống hạng.


1 hay 1,5 suất là quá ít ỏi!

6 tháng trước, bóng đá Việt Nam có một sự thay đổi nhỏ nhưng mang tính cách mạng. Đó là kể từ năm 2021, số lượng đội tại giải hạng Nhất sẽ được tăng lên từ 12 lên 14 đội - cân bằng với số đội tại V.League. Con số này cũng được áp dụng cho giải hạng Nhì. Sau rất nhiều năm, người ta mới được chứng kiến được sự ngang ngửa như thế.

Thông thường, ở mọi hệ thống giải đấu trên thế giới, những giải cấp dưới thường có nhiều đội bóng hơn so với giải hạng trên. Đó là mô hình kim tự tháp ngược vốn được xem là quy chuẩn trong phát triển bóng đá hiện đại.

Duy chỉ có Việt Nam làm chuyện ngược đời! Khi suốt nhiều năm, V.League và giải hạng Nhì luôn có nhiều hơn từ 2-4 đội so với giải hạng Nhất. Dễ hình dung, chúng ta nhìn thấy một cái đồng hồ cát trong mô hình bóng đá Việt Nam, khi mà đáy (giải hạng Nhì) và đỉnh (V.League) phình ra mà khúc giữa là giải hạng Nhất bị bóp chặt lại.

Những đội bóng hạng Nhất giành giật nhau 1 suất thăng hạng trực tiếp qua mỗi mùa.

Hệ quả, suất thăng/xuống hạng của 3 hệ thống giải này, đặc biệt là giữa hạng Nhất và V.League thường chỉ duy trì ở khoảng 1-1.5 suất trong suốt 5 năm trở lại đây. Thậm chí ở năm nay, nếu như không có sự tranh đấu của nhiều CLB hạng Nhất cũng như sự cân nhắc của Ban Chấp hành LĐBĐ Việt Nam, nhiều đội bóng V.League đã kêu gọi mùa bóng này không có… đội xuống chơi ở hạng Nhất!

So sánh với các giải đấu khác trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, V.League có số đội rớt hạng thấp hơn tất cả. Với Thái Lan và Indonesia, có tới 3 đội cuối bảng phải rời giải VĐQG sau một mùa bóng. Trường hợp của Malaysia cũng là 2 đội. Nhưng với V.League, chỉ có đội cuối bảng phải trực tiếp xuống chơi ở hạng Nhất. Đội đứng áp chót sẽ đá play-off với đội nhì của giải hạng Nhất. Cơ hội khi đó chia đều 50-50 cho cả đôi bên. Riêng năm nay, V.League chỉ có 1 đội phải xuống hạng! Điều đó đồng nghĩa, chỉ có đội vô địch hạng Nhất mới được lên chơi tại V.League 2021.

Điều này vô hình trung khiến cho V.League mất đi tính cạnh tranh trong cuộc đua trụ hạng. Nhìn từ năm 2015 đến nay, thường có một… bịch bông để 13 đội bóng còn lại đẩy xuống đáy V.League. Đó là Đồng Nai (2015), Đồng Tháp (2016), Long An (2017), Xổ số kiến thiết Cần Thơ (2018) hay Sanna.KH (2019). Kể cả mùa giải năm nay, dù thể thức chia nhóm tạo ra sự khốc liệt hơn trong cạnh tranh của nhóm 6 đội cuối bảng nhưng cũng chỉ cần trải qua 2-3 lượt của giai đoạn 2, nhiều đội bóng trong nhóm này đã có thể kê cao gối ngủ vì sớm nằm trong vùng an toàn.

Dễ nảy sinh tiêu cực, mất đi sự cân bằng

Việc xác định đội phải rớt hạng V.League thường sớm ngả ngũ khi V.League đi được 2/3 chặng đường, khi giải đấu chỉ cần xác định ra đâu là “vật tế thần” của mùa đó. Cũng chính vì thế, người xem giải đấu này thường chỉ cảm thấy… hơi hứng thú ở cuộc đua đến ngôi vô địch V.League, với câu chuyện của Hà Nội FC và phần thách thức còn lại. Vô hình trung, khi khán giả vẫn cứ tiếp tục hững hờ với V.League, việc đi tìm nhà tài trợ cho giải đấu cũng khó khăn hơn rất nhiều.

Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, người ta chứng kiến tới 3 nhà tài trợ đến rồi đi với V.League. Không phủ nhận hình ảnh của V.League đã tốt hơn nhiều trong giai đoạn đã qua, nhưng sự kịch tính không quá lớn khiến cho V.League không thể là thỏi nam châm thu hút người xem đến những phút cuối cùng.

Một vấn đề khác của sự hạn chế trong suất lên/xuống hạng là bản thân các đội hạng Nhất có quá ít cơ hội để được lên chơi ở V.League. Cũng vì thế, bản thân các doanh nghiệp cũng không thể mạnh dạn đầu tư cho các CLB tại hạng Nhất, khi đây là một thương vụ rủi ro với phần thua lớn hơn quá nhiều so với phần thắng.

Nói chẳng đâu xa, Bình Định được rót vào ngân sách tới 40 tỷ đồng để thăng hạng V.League 2021. Nhưng đội bóng đất Võ dù đá cố sống cố chết vẫn đang trong diện chỉ ngấp nghé lên hạng, khi 4-5 CLB cùng lao vào tranh đúng… 1 suất chơi ở V.League mùa sau. Hay trường hợp của Phố Hiến, họ chạy đôn chạy đáo mở rộng nguồn tài trợ với thiết kế bắt mắt, hiện đại. Nhưng liệu nhãn hàng hay doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư với một CLB lại vừa lỡ hẹn lên chơi ở V.League? Trong khi sức hút và giá trị thương hiệu khi CLB chơi tại giải hạng Nhất gần như là bằng 0!

Chưa dừng lại ở đó, nghi vấn tiêu cực hoàn toàn dễ nảy sinh với việc V.League bóp nghẹt suất xuống hạng. Những cuộc bắt tay “ba đi ba về”, “tặng nhau điểm số” giữa các liên minh ngầm giữa các đội bóng hòng đẩy “vật tế thần” xuống hạng đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ của V.League. Thế mới có chuyện HLV Võ Đình Tân của Sanna.KH - đội bị “tế thần” mùa trước bức xúc nói: “Khánh Hòa từ xưa tới giờ, xuyên suốt từ các mùa giải qua, dù thiếu điểm hay dư điểm thì đều sòng phẳng. Khánh Hòa chẳng mạnh hơn ai nhưng phải sạch! Tôi khẳng định Khánh Hòa không xin điểm. Đó là lập trường xuyên suốt của đội bóng đến giờ. Chứ không như nhiều đội cần điểm trụ hạng, hay đua vô địch mà nảy sinh chuyện xin, cho. Khánh Hòa dù có rớt hạng nhưng phải ra sân là vì khán giả chứ tôi không quan tâm đến các đội bóng khác”.

Không thể chỉ là cuộc giật dây của những đội bóng tại V.League

Dịch COVID-19 khiến cho V.League và giải hạng Nhất phải thay đổi cơ cấu và thể thức tổ chức giải đấu nhằm đảm bảo cho mùa giải về đích an toàn. Nhưng trong quá trình điều chỉnh, nhiều CLB tại V.League đã thẳng thừng đề xuất ý tưởng không xuống hạng. Đáng nói hơn, trong cuộc họp trực tiếp của Ban Chấp hành LĐBĐ Việt Nam, tất cả các ủy viên đều là đại diện của những CLB đang chơi tại V.League.

Hệ quả, tiếng nói của các giải chuyên nghiệp Việt Nam (gồm cả hạng Nhất lẫn V.League) suy cho cùng chỉ là thể hiện ý chí cho quyền lợi của những đội tại V.League.

Và sau khi nâng lên đặt xuống, điều lệ giải được điều chỉnh với việc giữ 1 suất lên/xuống hạng. Điều đó khiến cho những CLB tại hạng Nhất không khỏi bức xúc. Bởi năm nay, có tới 4-5 đội tham vọng lên hạng. Nhưng suy cho cùng, chỉ một trong số đó được lên hạng mà thôi.
An Khánh
.
.
.