Thể thao Việt Nam thích nghi với trạng thái “bình thường mới”

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:02
Sau khi Chính phủ nới các quy định về giãn cách xã hội, trong đó hoạt động thể dục thể thao được tổ chức đi kèm các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, đời sống thể thao Việt Nam đã trở nên sôi động hơn hẳn. Tất nhiên, thể thao Việt Nam phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, trong đó vừa cố gắng đạt thành tích tốt nhất vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Chậm rãi thích nghi trở lại

Gần một tuần nay, hoạt động tập luyện đã được khôi phục tại các trung tâm huấn luyện thể thao tại Hà Nội. Trong đó, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội (Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội), nhiều VĐV sau gần 1 tháng trở về địa phương mới quay lại tập luyện. Trong thời gian ở nhà để phòng, chống dịch, họ vẫn tập luyện theo giáo án nhưng khối lượng tập luyện không thể như bình thường.

Tại đội cử tạ Hà Nội, các HLV tại đây cho hay, chỉ đưa ra những giáo án với khối lượng nhẹ để VĐV dần thích nghi trở lại với cường độ, khối lượng tập luyện trước đây. Trước mắt, cử tạ Hà Nội sẽ dự giải vô địch cử tạ trẻ toàn quốc 2020 vào tháng 7 tới. Nhiều VĐV của đội đã không giấu băn khoăn về việc khó đạt thành tích tốt nhất sau một thời gian dài nghỉ tập luyện. Điều ấy hoàn toàn có lý khi cử tạ lại là môn về sức mạnh nên việc duy trì tập luyện hằng ngày cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, dịch COVID-19 đã khiến việc tập luyện bị gián đoạn.

“Hoàn toàn có thể hiểu được băn khoăn của các cháu nhưng chúng tôi luôn cảnh báo các cháu không được vội vã trong việc tìm lại nhịp điệu tập luyện, thành tích tốt nhất trước đây của mình. Đây là điều đáng lưu ý nhất để giúp các cháu không bị chấn thương, có thể ảnh hưởng đến cả sự nghiệp sau này. Ngoài ra, chúng tôi cũng nói với các cháu rằng, dễ người dễ ta, khó người khó ta. Các VĐV ở các đội khác cũng trong tình trạng tập luyện không đủ khối lượng trong thời gian qua nên không cần lo lắng quá nhiều về thành tích” – Phó Trưởng bộ môn cử tạ Hà Nội Nguyễn Thị Tài chia sẻ.

Trong khi đó, ở đội trẻ thể dục dụng cụ Hà Nội, các HLV cũng đang vất vả để giúp các học trò nhí của mình tìm lại độ mềm mại, độ dẻo như trước khi nghỉ tập vì dịch COVID-19. Theo HLV Hoàng Cường, các VĐV sẽ cần một khoảng thời gian khá dài, ít nhất khoảng 2 tuần, để lấy lại độ dẻo dai, mềm mại của cơ thể trước khi bắt đầu vào các bài tập chuyên sâu.

Đội tuyển điền kinh quốc gia tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Hữu.

Ở những đội khác như điền kinh, wushu, bi sắt, bóng bàn, taekwondo, vật, pencak silat… tại Hà Nội, dù đã tập luyện trở lại nhưng thông điệp của các HLV tới VĐV vẫn là không vội vã để tránh chấn thương. Quan trọng nhất vẫn là lấy lại thể trạng tốt nhất rồi mới đi vào các bài tập chuyên sâu. Ngoài ra, quy định phòng dịch vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Thậm chí, như chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thì những quy định về phòng dịch như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào tập luyện, ăn uống cần được duy trì thường xuyên, chứ không hẳn chỉ để phòng dịch COVID-19. Tất cả nhằm tạo nên thói quen mới, văn minh và an toàn hơn cho chính người trong cuộc. Còn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, không khí tập luyện cũng trở lại như những ngày trước dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các quy định phòng, chống dịch vẫn được thực hiện nghiêm ngặt, để bảo đảm cho việc thích nghi với trạng thái “bình thường mới” diễn ra suôn sẻ. Ước tính, có hơn 700 VĐV tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, 3 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia còn lại trên toàn quốc ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ có hơn 600 VĐV.

Có còn hơn không

Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn kế hoạch thi đấu của thể thao Việt Nam, khiến nhiều giải đấu, chuyến tập huấn quốc tế bị hoãn, hủy. Theo Tổng cục TDTT, 6 tháng đầu năm 2020 thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 113 giải đấu, sự kiện thể thao quốc tế; 71 giải đấu thể thao thành tích cao; 19 đội tuyển đi tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến hầu hết các giải đấu trong nước và quốc tế cùng các chuyến tập huấn nước ngoài của thể thao Việt Nam phải tạm dừng.

Các đội như đua thuyền rowing, bắn súng dù đi tập huấn và thi đấu nước ngoài trước thời điểm dịch bùng phát nhưng khi dịch lan rộng, đã phải về nước và thực hiện cách ly theo quy định.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, các vụ, bộ môn trực thuộc đã rà soát lại toàn bộ số lượng, thời gian tổ chức các giải thể thao quốc gia và quốc tế trong năm 2020. Trên cơ sở này, ngành Thể thao lựa chọn các giải quan trọng nhất trong năm của bộ môn là giải vô địch quốc gia và vô địch trẻ quốc gia để tổ chức. Các giải còn lại có thể phải hủy bỏ hoặc gộp lại thi đấu chung. Không thể dồn toàn bộ giải đấu của 6 tháng đầu năm tổ chức hết vào 6 tháng cuối năm được vì còn liên quan đến địa điểm thi đấu, kinh phí của các địa phương và cả việc luyện tập của VĐV.

Ngoài ra, việc tổ chức các giải đấu cũng phải đi kèm công tác phòng, chống dịch. Điều này cũng được các HLV, nhà quản lý khác chia sẻ và chuẩn bị tinh thần. Theo Trưởng bộ môn bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui, bộ môn đã xác định từ nay đến cuối năm tối đa dự 3 giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, trong khi mọi năm sẽ dự từ 4-5 giải đấu.

Tuy nhiên, lúc này được dự giải đã là tốt rồi. Trong khi đó, các thành viên của đội tuyển điền kinh quốc gia lại đang háo hức chuẩn bị cho giải việt dã Báo Tiền Phong – 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới (dự kiến diễn ra vào tháng 3-2020 nhưng bị hoãn tổ chức tới 2 lần vì dịch COVID-19). Nếu diễn ra, đây sẽ là giải đấu đầu tiên của điền kinh Việt Nam trong năm 2020.

Không nói ra nhưng nhiều người cũng hiểu rằng, dự ít giải đấu cũng đồng nghĩa với việc sẽ ít tiền thưởng hơn so với các năm trước, nhất là với những VĐV ở các địa phương có chế độ thưởng VĐV thuộc hàng cao nhất Việt Nam như Hà Nội. Nhưng trong lúc này, cứ có giải đấu nào được xác định tổ chức đã là niềm vui với VĐV. Và họ cũng xác định là sẽ phải vừa thi đấu, tập luyện, vừa phải phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để thích nghi với yêu cầu mới.

Người đến tập trung, người về thăm nhà

Trong khi VĐV nhiều đội quay lại Hà Nội để tập luyện sau một thời gian thực hiện cách ly và giãn cách xã hội thì một số VĐV muay – kick boxing Hà Nội lại về nhà sau hơn 1 tháng cấm trại để phòng dịch COVID-19. Trong thời gian đó, họ chỉ ở trong địa điểm tập huấn và chấp nhận không về nhà để phòng lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Đến khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng thì họ mới dám về nhà thăm gia đình.

Minh Hà
.
.
.