Rowing Việt Nam: Một vai gánh nhiều việc
Trở thành mũi nhọn từ trong khó khăn
Rowing Việt Nam từng giành HCV tại ASIAD 2018 và có tới 3 lần tham dự Olympic (năm 2004, 2012, 2016) cũng như luôn mang về HCV trong các kỳ SEA Games, cho đến năm 2019, chuyện được kỳ vọng ở mỗi kỳ cuộc lớn như lẽ thường tình.
Cũng phải kể thêm về kỳ SEA Games 30 năm 2019, nơi đội tuyển rowing Việt Nam không giành nổi dù chỉ 1 tấm HCV. Trong khi 4 năm trước đó, rowing Việt Nam đã giành tới 8 HCV tại SEA Games 28. Việc đội tuyển rowing không giành HCV tại SEA Games 30 cũng đã được dự báo khi một số nội dung Olympic và thế mạnh của rowing Việt Nam không được đưa vào thi đấu. Ngoài ra, việc thay đổi địa điểm thi đấu từ hồ sang vịnh cũng tạo ra bất lợi cho các tay chèo Việt Nam, trước đó thường quen tập luyện trong hồ.
Nếu ngược dòng về những ngày ban đầu của rowing cũng đủ thấy môn thể thao này đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam như thế nào. Xuất hiện ít năm tại Việt Nam, đến năm 2004, rowing đã có VĐV tham dự Olympic. Đấy là điều khó tin, hiếm gặp trong làng thể thao Việt Nam. Thậm chí, chuyện đội tuyển có chuyên gia ngoại cũng khá ly kỳ.
Câu chuyện bắt nguồn từ chuyến dạo chơi hồ Tây của chuyên gia người Australia Joseph Donnelly, từng là tay chèo nổi tiếng Australia, cách đây chục năm. Thấy các tay chèo đội tuyển Việt Nam và Hà Nội tập luyện tại đây ông đã xem rồi ngỏ lời với người có trách nhiệm là được huấn luyện miễn phí cho các tay chèo Việt Nam. Khi ấy, đội tuyển đang không có chuyên gia ngoại, vốn liếng huấn luyện của các HLV nội cũng hạn chế. Đương nhiên, trước lời đề nghị như vậy thì người có trách nhiệm cũng đồng ý. Hóa ra đấy lại là một trong những cuộc hợp tác với chuyên gia ngoại có hiệu quả nhất của làng thể thao Việt Nam.
Bởi khi huấn luyện cho đội tuyển rowing Việt Nam, chuyên gia Joseph Donnelly không chỉ hỗ trợ các VĐV Việt Nam đi tập huấn tại Australia, kêu gọi bạn bè ủng hộ tiền để mua một chiếc thuyền thi đấu đạt chuẩn quốc tế cho đội tuyển. Quan trọng hơn cả, ông nâng tầm cho các tay chèo Việt Nam trong điều kiện thiếu thốn phương tiện tập luyện, thi đấu đạt chuẩn quốc tế với chế độ dinh dưỡng thua xa VĐV nhiều nước khác, để rồi các tay chèo Việt Nam liên tiếp gây ấn tượng mạnh ở các đấu trường châu lục và khu vực Đông Nam Á.
Những tấm vé dự Olympic 2004, 2012 và 2016 đến những tấm huy chương tại ASIAD mà đỉnh cao là tấm HCV nội dung thuyền 4 nữ tại ASIAD 2018 hay hàng chục HCV SEA Games là minh chứng rõ nhất.
Cho nên, khi thể thao Việt Nam đang sẵn sàng tâm thế cho việc tham dự các sân chơi quốc tế trong năm 2021 thì kỳ vọng đương nhiên được đặt vào đội tuyển rowing.
Các tay chèo rowing nữ Việt Nam mang về HCV cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. |
Kỳ vọng vượt khó
Năm 2021, rowing Việt Nam sẽ có 2 sân chơi lớn là Olympic và SEA Games 31 tại Việt Nam. Cụ thể, đội tuyển rowing đặt mục tiêu giành vé dự Olympic 2021 và giành ít nhất 6 HCV tại SEA Games 31.
Thực tế, đây đều không phải là mục tiêu quá tầm với các tay chèo rowing Việt Nam. Hiện tại, rowing Việt Nam vẫn có dàn VĐV đủ để thực hiện các mục tiêu trong năm 2021. Vấn đề lại nằm ở khâu duy trì tập luyện thường xuyên, đầu tư trang thiết bị cũng như chuyên gia ngoại.
Bên lề Giải vô địch trẻ rowing và canoeing toàn quốc hồi đầu tháng 10 tại Hà Nội, HLV đội tuyển rowing Việt Nam Lê Văn Quang cho biết, dịch COVID-19 đã khiến khâu tập luyện của đội bị ảnh hưởng khá nhiều. VĐV không xuống nước tập luyện trong thời gian giãn cách xã hội nên phải mất nhiều thời gian để lấy lại phong độ. Còn như tay chèo Phạm Thị Huệ tâm sự do đặc thù của bộ môn là tập luyện ngoài trời, dưới nước nên khi có lệnh giãn cách xã hội, toàn bộ đội tuyển tuân thủ tuyệt đối. Việc phải nghỉ tập cả tháng đương nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực và tâm lý nhưng tất cả đều chấp nhận vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.
Đến lúc này, tình trạng thể lực của đội tuyển đã được cải thiện khá nhiều so với giai đoạn giãn cách xã hội. Vấn đề khác lại cần giải quyết nằm ở câu chuyện cần được thi đấu cọ xát liên tục để đánh giá chính xác năng lực bản thân. Trong khi việc thi đấu quốc tế trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa thể diễn ra thì cũng cần nhiều giải đấu trong nước. Dù vậy, hiện tại trong nước chỉ có 2 giải trong hệ thống thi đấu quốc gia. Rõ ràng, sẽ tốt hơn nếu có thêm giải đấu, dù là giải quốc nội trong thời gian tới để các VĐV bớt “khát” thi đấu.
Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, đội tuyển không có chuyên gia ngoại do chuyên gia người Australia Joseph Donnelly chưa thể trở lại Việt Nam từ Australia do dịch COVID-19. Đương nhiên, sự vắng mặt của chuyên gia này cũng ảnh hướng đáng kể đến chất lượng huấn luyện ở đội tuyển dù hình thức huấn luyện trực tuyến cũng được áp dụng.
Ngay cả trang thiết bị thi đấu quốc tế của đội tuyển từ lâu nay cũng là vấn đề luôn được lưu tâm. Trong trao đổi gần đây, Tổng thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường cũng cho hay, vấn đề lớn nhất hiện nay đối với bộ môn đua thuyền nói chung và rowing nói riêng là kinh phí thi đấu quốc tế, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn thế giới cũng như mua trang thiết bị tập luyện cho VĐV.
Tất cả những vấn đề là những bài toán cần sớm có lời giải. Thực tế, Tổng cục TDTT cũng đang nỗ lực giải quyết trong đó có việc thực hiện thủ tục để chuyên gia Joseph Donnelly có mặt tại Việt Nam vào tháng sau hay cân đối kinh phí để đầu tư trang thiết bị cho đội tuyển nhằm thực hiện các mục tiêu trước mắt trong năm 2021 cũng như xa hơn, trong đó có ASIAD 2022.
Ngoài ra, cũng phải đề cập đến vai trò của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam trong việc kêu gọi các nguồn lực để tạo điều kiện, sân chơi cho VĐV thi đấu nhiều hơn.
Thực tế, các VĐV rowing Việt Nam vẫn nổi tiếng về khoản vượt khó. Nhưng rõ ràng, hành trình vượt khó của họ sẽ bớt gian nan khi nhận được những nguồn lực, cơ chế từ Tổng cục TDTT và Liên đoàn đua thuyền Việt Nam. Khi ấy, mới có thể hy vọng các tay chèo rowing Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong năm 2021 đầy thách thức cũng như các năm sau đó.