Quần vợt Việt Nam phát triển nhờ xã hội hóa

Thứ Ba, 11/06/2019, 08:47
Cuối tuần trước, giải quần vợt chuyên nghiệp Việt Nam (VTF Masters) – Vietravel Cup 2019 đã kết thúc ở Lạng Sơn, địa phương đang phát triển mạnh mẽ môn quần vợt. Giải đấu này được tổ chức cũng khẳng định khâu xã hội hóa đang phát triển mạnh mẽ trong làng quần vợt Việt Nam. Vấn đề là các tay vợt phải nắm bắt cơ hội.


Cải tiến mạnh mẽ hệ thống thi đấu

Các tay vợt Việt Nam từng có lúc rơi vào cảnh thiếu giải đấu để cọ xát. Hoặc nếu có, các giải đấu cũng không thu hút các tay vợt hàng đầu tham dự. Thế nên, quần vợt Việt Nam mới rơi vào cảnh phong trào mạnh nhưng đỉnh cao yếu. 

Một trong những lý do khiến ít giải đấu đỉnh cao được tổ chức hoặc kém sức hút cũng bởi không thu hút được các nhà tài trợ. Giải thưởng kém hấp dẫn khiến nhiều tay vợt không mặn mà. Trong khi đó, khâu truyền thông cũng không được chú trọng đúng mức khiến sức lan tỏa của giải đấu càng hạn chế.

Phải đến 2-3 năm gần đây, quần vợt Việt Nam mới có bước chuyển mạnh mẽ trong công tác tổ chức thi đấu. Mục tiêu chính vẫn là tạo nhiều cơ hội cọ xát cho các tay vợt để họ liên tục có cảm giác thi đấu thay vì tập nhiều, thi đấu ít như trước đó.

Cũng từ đây, các giải đấu đỉnh cao của quần vợt Việt Nam liên tiếp ra đời. Nếu như năm 2018 xuất hiện thêm 4 giải đấu Pro Tour có tổng giá trị giải thưởng là 200 triệu đồng/ giải thì đến năm 2019 đã có thêm 4 giải đấu khác ở cấp độ cao hơn là VTF Masters, có tổng giá trị giải thưởng là 500 triệu đồng/ giải.

Trao thưởng cho các tay vợt đoạt giải ở nội dung đơn nữ giải quần vợt chuyên nghiệp Việt Nam lần thứ II năm 2019.

Nếu tham dự các giải đấu này mà giành thành tích tốt thì các tay vợt cũng có khoản thu nhập đáng kể. Đấy là mục đích của quần vợt chuyên nghiệp, giúp các tay vợt hoàn toàn yên tâm theo nghề và sống bằng nghề. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Việt Nam từng chia sẻ: “Nhiều giải đấu được tổ chức với cơ cấu tiền thưởng cao sẽ giúp các tay vợt được cọ xát liên tục đồng thời cải thiện đáng kể thu nhập”. Tất nhiên, để có thể giúp các giải đấu diễn ra thành công, thu hút toàn bộ tay vợt mạnh trong nước cũng như giới truyền thông, phải kể đến sự hợp sức của các doanh nghiệp với Liên đoàn quần vợt Việt Nam.

Như giải VTF Masters lần thứ I – 2019 vào tháng 3 vừa qua tại Tây Ninh đã thu hút toàn bộ tay vợt hàng đầu Việt Nam như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Nguyễn Văn Phương…

Trong số này, Lý Hoàng Nam đang từ Tây Ban Nha cũng trở về nước dự giải. Không ngẫu nhiên một giải đấu tại Việt Nam lại thu hút toàn bộ tay vợt mạnh như vậy. Đơn giản bởi doanh nghiệp đứng ra tài trợ giải đấu cũng đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều tay vợt hàng đầu Việt Nam như Lý Hoàng Nam, Nguyễn Văn Phương.

Việc có thêm 8 giải đấu khác bên cạnh những giải truyền thống như giải vô địch quốc gia, giải đồng đội quốc gia đã khiến các tay vợt Việt Nam bớt “đói” giải đấu. Ngoài ra, hệ thống thi đấu giải trẻ quốc gia cũng có tới 4 giải đấu. Tất cả cho thấy bước tiến đáng kể của quần vợt Việt Nam về cải tiến hệ thống thi đấu.

Trung tâm đào tạo đua nở

Sự xã hội hóa sâu rộng của quần vợt Việt Nam còn được nhìn nhận ở sự tham gia của các doanh nghiệp. Trước đây, quần vợt Việt Nam chỉ biết đến một Becamex Bình Dương với tư cách là đơn vị đã chi hàng chục tỉ đồng để đầu tư cho tay vợt số 1 Việt Nam hiện nay là Lý Hoàng Nam hay tay vợt trẻ Nguyễn Văn Phương cũng như Trịnh Linh Giang.

Lần lượt, các doanh nghiệp đầu tư quần vợt ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh đã mang đến những sự lựa chọn khác cho nhiều tay vợt trẻ muốn bước chân vào làng quần vợt chuyên nghiệp.

Trung tâm Đào tạo quần vợt Đà Nẵng ra đời vào cuối năm 2018 với sự hậu thuẫn của một doanh nghiệp mạnh trong đầu tư các khu vui chơi, giải trí ở Việt Nam được xem là bước tiến mới về đầu tư cho quần vợt đỉnh cao tại Việt Nam.

Không ngẫu nhiên khi người ở đây đang đặt mục tiêu là sẽ tạo điều kiện cho hầu hết vận động viên tham dự các giải trẻ quốc tế từ năm 14 tuổi cũng như sẽ có vận động viên ít nhất nằm trong nhóm 100 tay vợt trẻ hàng đầu thế giới và tranh tài tại hệ thống thi đấu Grand Slam trẻ.

Ngoài Bình Dương, Đà Nẵng, quần vợt TP Hồ Chí Minh cũng được đầu tư mạnh mẽ từ một doanh nghiệp là Tập đoàn Hưng Thịnh. Đến gần đây, Tây Ninh gây chú ý trên bản đồ quần vợt Việt Nam khi xuất hiện hệ thống đào tạo trẻ cũng như đỉnh cao của Công ty cổ phần Hải Đăng. Học viện quần vợt ở đây được xây dựng, đầu tư theo mô hình chuyên nghiệp của Becamex Bình Dương.

Đội ngũ chuyên gia, huấn luyện viên ở đây chủ yếu từ nước ngoài trong đó giám đốc điều hành câu lạc bộ là Christian Brydniak (Thụy Điển) – từng huấn luyện Hoàng Nam đoạt danh hiệu vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015.

Điều đó cũng đồng nghĩa Becamex Bình Dương không còn đơn độc đi trên con đường đào tạo vận động viên, chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa. Đấy cũng là mong mỏi của nhiều người từ cách đó vài năm. Bởi một mình Becamex Bình Dương cũng chỉ có thể đào tạo được 1-2 trường hợp nổi bật như Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Văn Phương. Nếu muốn có thêm nhiều tay vợt trẻ tài năng thì càng cần sự ra đời của nhiều trung tâm đào tạo mang đậm dấu ấn xã hội hóa.

Rõ ràng, quần vợt Việt Nam đang hưởng lợi từ sự đam mê và đầu tư mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp. Đấy là điều kiện thuận lợi để quần vợt Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu xa thay vì chỉ chấp nhận những thứ hạng khiêm tốn như hạng Ba ở sân chơi SEA Games hay vòng đấu chính đầu tiên của những giải quần vợt danh giá nhất thế giới trong đó có hệ thống Gran Slam.  

Các doanh nghiệp đầu tư 15 tỷ đồng cho quần vợt trong năm 2019

Theo Liên đoàn quần vợt Việt Nam, bên cạnh khoản đầu tư khoảng 6 tỷ đồng từ Liên đoàn thì các doanh nghiệp cũng đầu tư khoảng 15 tỷ đồng trong việc hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động của Liên đoàn.

Nhờ vậy, Liên đoàn mới chủ động thay đổi hệ thống thi đấu theo hướng tăng giải đấu, tăng tiền thưởng. Cũng theo Liên đoàn quần vợt Việt Nam, hệ thống giải đấu năm 2019 sẽ bao gồm 22 giải quốc tế và trong nước. (Minh Khuê)

Minh Nhật
.
.
.