Quần vợt Việt Nam và câu chuyện thăng, giữ hạng

Thứ Năm, 29/03/2018, 08:14
Quần vợt nam Việt Nam đang chờ đợi cơ hội để trở lại nhóm 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 khi được thi đấu trên sân nhà Hà Nội tại Giải Quần vợt đồng đội nam thế giới (Davis Cup) nhóm 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2018. Quan trọng là tiềm lực của quần vợt Việt Nam có đủ để lên nhóm 2 và giữ hạng trong thời gian dài hay không?


Chia tay người cũ, đón người … cũ

Câu chuyện đội tuyển quần vợt nam Việt Nam không giữ được vị trí trong nhóm 2 Davis Cup sau thất bại trong trận đấu trụ hạng cách đây khoảng 1 năm đã lùi lại. Nhưng thất bại năm đó vẫn để lại nhiều suy ngẫm khi tất cả đều thấy đội tuyển chỉ có một Lý Hoàng Nam phải cáng đáng quá nhiều trọng trách. Chuyện thắng thua của đội tuyển hoàn toàn phụ thuộc vào phong độ của tay vợt số 1 Việt Nam này. Chỉ cần Lý Hoàng Nam thất bại ở 1 trong 2 trận đơn mà anh thường phải đảm nhận thì thất bại đã lộ rõ với đội tuyển Việt Nam.

Những Nguyễn Hoàng Thiên hay Phạm Minh Tuấn đều không thể khỏa lấp được vị trí của Lý Hoàng Nam. Đấy không chỉ là hạn chế của đội tuyển mà còn là của cả nền quần vợt Việt Nam khi không có nhiều tay vợt thuộc diện “một 10, một 8”. Với thể thức thi đấu đồng đội, một đội tuyển thật khó giành chiến thắng liên tục nếu chỉ trông cậy vào một tay vợt.

1 năm sau ngày rớt hạng, quần vợt Việt Nam hừng hực bước vào Davis Cup 2018 nhóm 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương với hy vọng thăng hạng. Không chỉ bởi giải đấu diễn ra tại Hà Nội, cũng là lần đầu tiên diễn ra tại đây, mà còn bởi đội tuyển đã có những thay đổi về nhân sự. Theo đó, tay vợt Trịnh Linh Giang đã góp mặt để thế vào vị trí của Nguyễn Hoàng Thiên – người đã không có nhiều bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Thế là Nguyễn Hoàng Thiên đã vắng bóng sau nhiều năm góp mặt ở đội tuyển quốc gia.

Trong khi đó, sự trở lại của cựu tay vợt Hà Nội Trịnh Linh Giang cũng là điều thú vị bởi anh từng không được tập trung đội tuyển vào hơn 2 năm trước khi có những phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội. Quá trình tập luyện và được đầu tư trong 2 năm qua tại Bình Dương đã khiến Trịnh Linh Giang phát triển nhanh hơn. Đến lúc này, nhờ liên tục được dự giải quốc tế, dù thường phải qua vòng đấu sơ loại, Trịnh Linh Giang đã cho thấy sự tiến bộ, có thể làm đối trọng của Lý Hoàng Nam.

Tay vợt Lý Hoàng Nam tập luyện trước Davis Cup 2018. Ảnh: VTF

Từ cách đây vài năm, Trịnh Linh Giang đã cho thấy tiềm năng phát triển. Được quần vợt Hà Nội đầu tư quyết liệt nên tay vợt này phát triển ổn định. Tuy vậy, những câu chuyện bên lề đã hạn chế đà phát triển của Linh Giang. Dù vậy, những câu chuyện quá khứ cũng đã khép lại. Được gọi vào đội tuyển quốc gia là sự ghi nhận quá trình vươn lên của một tay vợt giàu cá tính như Trịnh Linh Giang.

Thăng hạng rồi giữ hạng ra sao?

Một điều khiến những nhà quản lý quần vợt Việt Nam hoàn toàn hài lòng là danh sách đội tuyển quần vợt Việt Nam chuẩn bị cho giải đấu năm nay không hề gây xôn xao dư luận, không xảy ra những phản ứng trái chiều. Cả 4 tay vợt gồm: Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Lê Quốc Khánh, Phạm Minh Tuấn đều được đánh giá là xứng đáng. Điều này khác hẳn câu chuyện của 3 – 4 năm trước, khi từng xảy ra chuyện đơn từ lên cấp quản lý về việc “bỏ người này, chọn người kia” bởi những lý do ngoài chuyên môn. Lúc ấy, quần vợt Việt Nam đã rối bời trước những cuộc đấu lớn.

Đến bây giờ, khi đội tuyển “sóng yên bể lặng” bước vào cuộc chơi ở nhóm 3 Davis Cup thì người ta có thể yên tâm với mục tiêu giành quyền thăng hạng khi lực lượng các đội tham dự giải không nhỉnh hơn, thậm chí thua kém.

Trong khi đó, quần vợt Việt Nam vẫn chỉ có Lý Hoàng Nam nổi trội hơn cả khi xếp hạng 465 thế giới trong khi những Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn vẫn ngoài nhóm 1.500 thế giới. Tuy nhiên, sự tiến bộ của Trịnh Linh Giang nhờ được thi đấu quốc tế liên tục trong thời gian gần đây có thể sẽ giúp Lý Hoàng Nam bớt trọng trách ở đội tuyển.

Nhưng kể cả khi đội tuyển giành quyền thăng hạng thì bài toán trụ hạng vào năm tới cũng đáng được đặt ra ngay từ bây giờ. Bởi để có thể trụ lại nhóm 2 thế giới, cần có thêm nhiều tay vợt áp sát trình độ và thứ hạng của Lý Hoàng Nam. Hiện tại, trong làng quần vợt nam Việt Nam, chỉ Lý Hoàng Nam liên tục dự giải quốc tế để tích điểm và cải thiện thứ hạng thế giới. Ngoài ra, một số tay vợt nam khác của Bình Dương như Trịnh Linh Giang, Nguyễn Văn Phương cũng được tạo điều kiện tối đa để dự giải quốc tế.

Trong khi đó, nhiều tay vợt nam ở các đơn vị khác lại không có kinh phí cũng như quan hệ để được dự các giải quốc tế. Đến giờ, người ta vẫn tiếc cho Phạm Minh Tuấn – tay vợt cũng tham dự Davis Cup lần này, khi thừa năng lực nhưng lại ít cơ hội cọ xát quốc tế. Trong khi đó, Lê Quốc Khánh cũng là cựu binh trong làng quần vợt nam Việt Nam và đến lúc này cũng chưa có tay vợt thay thế anh mỗi khi cần người có năng lực ở nội dung đánh đôi ở các giải quốc tế. Vì vậy, trong làng quần vợt nam Việt Nam mới có chuyện “lên nhóm 2 thì dễ, giữ vị trí tại nhóm 2 ở Davis Cup lại khó”.

Cho nên, sự mong mỏi về một đội tuyển quần vợt nam có một đội hình không quá vênh nhau về trình độ, đẳng cấp tại Davis Cup vẫn hiện hữu. Đấy cũng vẫn là câu chuyện dài của quần vợt nam Việt Nam trong cách đầu tư, phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Hoàn tất sân đấu chỉ một tuần trước giải đấu

Theo dự kiến, đội tuyển quần vợt nam Việt Nam sẽ tập luyện tại Cung điền kinh trong nhà Hà Nội, nơi diễn ra Davis Cup nhóm 3 châu Á – Thái Bình Dương 2018, từ ngày 16-3, để sớm làm quen mặt sân và tận dụng được tối đa lợi thế chủ nhà. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa, nâng cấp mặt sân bị chậm tiến độ nên đến ngày 27-3, đội tuyển mới tập buổi đầu tiên tại đây. Trong khi đó, các đội tuyển khác phải đến 29-3 mới được tập luyện tại đây. Giải đấu sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 7-4 với sự tham dự của 9 đội gồm: Việt Nam, Campuchia, Jordan, Kuwait, Malaysia, Pacific Oceania, Qatar và Saudi Arabia, Syria.

Minh Khuê
Minh Nhật
.
.
.