Nuôi đam mê từ những giải đấu

Thứ Hai, 05/11/2018, 17:40
Từ cách đây nhiều năm, nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội Nguyễn Đình Lân, một trong những người am hiểu sâu sắc về phát triển thể thao phong trào cũng như đỉnh cao, đã chia sẻ rằng :“Muốn nuôi dưỡng phong trào thì cần có những giải đấu. Nếu không, sẽ là sự phí phạm và có thể khiến phong trào suy giảm, người chơi mất hứng thú”.

Câu chuyện về Giải cờ vua các nhóm tuổi miền Bắc mở rộng lần thứ 3 – 2018 mới diễn ra vào cuối tuần qua ở Hà Nội là ví dụ rõ nhất.

Phong trào càng rộng, càng cần sân chơi

Giải vô địch cờ vua các nhóm tuổi miền Bắc mở rộng lần thứ 3 - năm 2018 tranh cúp Kiện tướng tương lai tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã lập kỷ lục về số kỳ thủ tham dự. 1179 kỳ thủ là số lượng kỳ thủ lớn nhất tham dự một giải đấu cờ vua ở Việt Nam. Vài ngày trước giải, con số đăng ký với 1169 kỳ thủ thuộc 93 đoàn đã được xem là kỷ lục. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian đó, một số đoàn lại có nhu cầu tham dự và Ban tổ chức không thể chối từ. Vì thế mới có 1179 kỳ thủ từ 97 đoàn dự giải, tạo nên cột mốc mới không chỉ của giải đấu mà của cả làng cờ vua Việt Nam.

Giải đấu thu hút đông đảo vận động viên, khán giả.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Tổng thư ký Liên đoàn cờ vua Việt Nam chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, phong trào học cờ vua phát triển mạnh. Cùng với đó là hệ thống các giải đấu từ địa phương, khu vực và quốc gia được tổ chức một cách bài bản, giúp các nhà chuyên môn phát hiện và tuyển chọn được nhiều tài năng cho cờ vua Việt Nam”.

Còn Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh – Trưởng Ban tổ chức giải, người nặng lòng với phong trào cờ vua kể rằng, không phải đến lúc này, phong trào tập luyện cờ vua mới nở rộ tại các tỉnh thành phía Bắc, nhất là ở Hà Nội. Từ nhiều năm nay, phong trào đã có sức sống mạnh mẽ trong nhiều trường học, các trung tâm luyện cờ. Dù không có trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD hay không thường xuyên trong chương trình thi đấu của SEA Games nhưng cờ vua vẫn có chỗ đứng trong làng thể thao thành tích cao cũng như phong trào. Ngay như ở Hà Nội, những giải cờ vua phong trào thu hút 600-700 kỳ thủ đã trở thành chuyện bình thường. Không chỉ một mà nhiều câu lạc bộ cờ cũng tổ chức giải đấu. Quan trọng nhất là các giải đấu đều được người chơi đón nhận. Rõ nhất là giải cờ vua hàng tháng ở Trường thể thao thiếu niên 10-10 được duy trì từ nhiều năm qua.

Duy trì đam mê cho ngươi chơi

Bắt nguồn từ nhu cầu của người chơi mà câu lạc bộ Kiện tướng tương lai mới quyết định phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức một sân chơi cờ nhanh cho những người yêu cờ của thủ đô cũng như phía Bắc từ năm 2016.

Theo ông Bùi Vinh, việc có sân chơi sẽ giúp duy trì động lực cho các kỳ thủ. Nhiều gia đình không ngần ngại đóng lệ phí dự giải cho con nhất là khi mức phí cũng chỉ hơn một chút so với giá tấm vé xem phim. Ngoài ra, còn một lý do khác thúc đẩy giải đấu ra đời cũng vì muốn người khuyết tật có sân chơi bình đẳng với người thường. Tại giải đấu, các thành viên trong đội tuyển cờ vua người khuyết tật Hà Nội và một số nơi khác góp mặt, thi đấu với những vận động viên bình thường khác. “Việc tạo ra một giải đấu “không khoảng cách” cũng là động lực để chúng tôi tạo ra giải đấu. Các vận động viên người khuyết tật được thi đấu trong môi trường sòng phẳng, không phân biệt người thường hay người khuyết tật. Điều này được hy vọng sẽ tạo thêm động lực để họ gắn bó với môn cờ vua cũng như trong cuộc sống” – ông Bùi Vinh nói.

Năm ngoái, giải đấu đã thu hút tới 857 kỳ thủ tham dự dù dự kiến chỉ có khoảng 800 kỳ thủ. Nhẽ ra, phải có đến 900 kỳ thủ dự giải năm đó nhưng Ban tổ chức đành không thể nhận đăng ký do không thu xếp đủ …ghế tham dự.

Còn đến năm nay là một kỷ lục mới với 1179 kỳ thủ trong đó có các kỳ thủ nổi tiếng như Đại kiện tướng quốc tế Trần Tuấn Minh, Nguyễn Mai Hưng, Lê Thanh Tú và 3 Kiện tướng quốc tế, 5 Dự bị Kiện tướng quốc tế. Trong số này, Trần Tuấn Minh vừa giành ngôi vô địch cờ tiêu chuẩn và ngôi á quân cờ chớp nhoáng giải Pattaya mở rộng (Thái Lan) – 2018 cũng tham dự vào phút chót. Ngoài ra, rất nhiều kỳ thủ đến từ các tỉnh miền núi như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Ban tổ chức giải cũng miễn phí tham dự cho nhiều vận động viên ở miền núi nhằm khích lệ các em tham dự giải, qua đó gìn giữ được phong trào tập luyện cờ vua ở địa phương. Tất nhiên, với số lượng vận động viên đông như vậy, Ban tổ chức cũng phải bươn bả mới thu xếp đủ ghế thi đấu.

Chuyện ở môn cờ lại giống chuyện ở nhiều giải chạy bộ hiện nay. Nhiều giải đã phải đóng cổng đăng ký trước thời hạn do nhu cầu tham dự quá nhiều.

Rõ ràng, khi các cơ quan quản lý nhà nước về thể thao còn bộn bề với công việc quản lý thì sự tham gia của nhiều tổ chức, câu lạc bộ vào việc duy trì sự phát triển của các giải đấu càng trở nên quan trọng. Hà Nội đang đi đầu cả nước về tổ chức những giải thể thao phong trào như chạy, cờ vua, bóng bàn… Lúc này càng cần đến sự hỗ trợ về chủ trương, thậm chí là cơ chế, từ cơ quan quản lý nhà nước để các phong trào thể thao trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác ngày càng phát triển.

Gửi tham vọng vào những giải đấu cờ

Bên lề giải đấu, Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh chia sẻ rằng, việc tổ chức giải đấu cờ nhanh miền Bắc mở rộng sẽ được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, theo ông Bùi Vinh, Hà Nội còn cần phải có những giải đấu khác, nhiều màu sắc hơn để khai phá hết tiềm năng của mình. Lúc này, ý tưởng tổ chức một số giải cờ vua quốc tế ở quy mô nhỏ có tính hệ số elo cho các kỳ thủ tham dự đã nảy ra. 

Những giải đấu được tổ chức tại Hà Nội sẽ giúp các kỳ thủ nội tiết kiệm đáng kể chi phí so với khi ra nước ngoài dự giải. Ngoài ra, chính các kỳ thủ người khuyết tật cũng có cơ hội được sở hữu hệ số elo – thứ tưởng như xa xỉ với họ.

Cũng đã có những doanh nghiệp hứa sẽ đồng hành nếu giải được tổ chức bởi nhận thấy sức hút, cái được cho cờ vua Việt Nam và tính nhân văn của giải đấu.

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.