Giữ hình ảnh “sạch” cho thể thao Việt Nam

Thứ Sáu, 11/12/2020, 09:06
Cuối tháng 11 vừa qua, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn trở thành trường hợp gần nhất của thể thao Việt Nam được đôn lên nhận huy chương hoặc huy chương ở mức cao hơn khi vận động viên (VĐV) xếp trên bị phát hiện sử dụng chất cấm.

Và việc VĐV bị tước huy chương vì sử dụng chất cấm cũng là khuyến cáo cho các nền thể thao trong việc phòng, chống chất cấm khi tập luyện, thi đấu. Trong đó, thể thao Việt Nam phải có nhiều giải pháp để giữ hình ảnh “sạch”.

Vui và tiếc nuối

Theo thông báo của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Trần Lê Quốc Toàn được nhận chiếc Huy chương đồng (HCĐ) hạng cân 56kg nam tại Olympic London 2012. Nguyên nhân vì lực sĩ Valentin Hristov (Azerbaijan) bị tước huy chương vì dính doping (chất cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao).

Ông Đỗ Đình Kháng, lãnh đội cử tạ Việt Nam ở Olympic 2012 nhớ lại: “Năm đó, sự xuất sắc của Valentin Hristov khiến chúng tôi thực sự bất ngờ. Nhưng cũng không có lý do rõ ràng để chứng minh đô cử này có sử dụng chất kích thích hay không. Tất cả đành chấp nhận và quay về kiểm điểm nội bộ”.

Và đã có cấn cá về việc chuyên gia người Bulgaria D.Deykov, người đã lộ ý định chia tay đội cử tạ Việt Nam sau Olympic 2012, không hết mình trong khâu chuẩn bị thi đấu cho Trần Lê Quốc Toàn dẫn đến đô cử này phải khởi động quá sớm trước khi thi đấu. Hay cũng có lý do khác liên quan đến việc HLV nội trực tiếp của Quốc Toàn không đồng hành cùng anh. Thay vào đó, việc chuẩn bị tập luyện, thi đấu của Quốc Toàn hoàn toàn trông vào chuyên gia ngoại, vị phiên dịch và lãnh đội Đỗ Đình Kháng.

Phải 8 năm sau, những cấn cá giai đoạn đó mới được cởi bỏ khi Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên giành HCĐ Olympic 2012. Đó là hệ quả của cuộc kiểm tra toàn bộ mẫu thử thứ hai (còn gọi là mẫu thử B) của các VĐV giành huy chương tại các kỳ Olympic từ 2008 do IOC chủ trì.

Cũng nhờ kiểm tra với các phương tiện hiện đại nên các chuyên gia mới phát hiện ra trường hợp Valentin Hristov sử dụng chất cấm tại kỳ Olympic 2012. Nhờ thế, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên nhận chiếc HCĐ của 8 năm về trước. Còn thể thao Việt Nam được xác định là đã giành huy chương ở 3 kỳ Olympic gần đây vào các năm 2008, 2012 và 2016.

Đương nhiên, sau niềm vui là không ít tiếc nuối. Trong đó rõ nhất là nếu Quốc Toàn giành HCĐ ngay kỳ Olympic 2012 thì sẽ được vinh danh, nhận tiền thưởng từ nhiều nguồn, hay danh hiệu “VĐV tiêu biểu nhất năm”… Ngay cả lãnh đội, chuyên gia ngoại, HLV của Toàn cũng sẽ được hưởng vinh dự. Trước Trần Lê Quốc Toàn, cử tạ Việt Nam cũng có lần hưởng niềm vui sau khi các đô cử nước khác bị phát hiện sử dụng chất cấm.

Năm 2013, lực sĩ Nguyễn Thị Kim Vân ở hạng trên 75kg nữ trở thành nữ lực sĩ đầu tiên mang về tấm Huy chương vàng (HCV) châu lục cho cử tạ nữ Việt Nam. Chuyện này cũng bắt nguồn từ việc đô cử người Kazakhstan Alexandra Aborneva giành HCV nội dung trên ở Giải vô địch châu Á 2012 bị tước bỏ thành tích vì sử dụng chất kích thích. Vì thế, đô cử xếp sau ở nội dung cử giật và tổng cử là Kim Vân được đôn lên giành HCV. Ngoài ra, Kim Vân còn được đôn từ hạng tư lên vị trí giành HCĐ nội dung cử đẩy.

Câu chuyện của Quốc Toàn cũng là câu chuyện của chân chạy Quách Thị Lan. Tại ASIAD 2018, cô gái người Thanh Hóa chỉ giành HCB cự ly 400m rào nữ. Nhưng rồi sau ASIAD 2018, nhà vô địch nội dung này là Kemi Adekoya (Bahrain) bị phát hiện dương tính với chất kích thích. Nhờ đó, Quách Thị Lan được đôn lên vị trí giành HCV. Có điều khi cô nhận được thông báo này vào năm 2019 thì cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu của năm đã kết thúc với ngôi đầu thuộc về Bùi Thị Thu Thảo (vô địch nội dung nhảy xa ở ASIAD 2018). Rồi những khoản thưởng bên lề Đại hội cũng không thể đến với cô. Tất cả chỉ là tấm huy chương, khoản tiền thưởng theo quy định của nhà nước.

Nhưng dù sao tấm HCV của Quách Thị Lan dù đến muộn vẫn là danh giá với thể thao Việt Nam nói chung, điền kinh Việt Nam nói riêng. Cũng với tấm HCV của Quách Thị Lan, thể thao Việt Nam giành 5 HCV tại ASIAD 2018. Đây cũng là kỳ ASIAD mà thể thao giành nhiều HCV nhất từ trước đến nay và nhờ đó, từ hạng 17 đã vươn lên hạng 16 toàn đoàn.

Cũng trong năm 2019, Quách Thị Lan còn được đôn lên giành 2 HCV nội dung đồng đội 4x400m nữ, 400m rào nữ tại Giải vô địch điền kinh châu Á – 2017 khi Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF) thông báo VĐV Ấn Độ Nirmala Sheoran bị cấm thi đấu 4 năm vì sử dụng chất kích thích. IAAF đã hủy mọi kết quả thi đấu và thành tích của VĐV này trong giai đoạn tháng 8-2016 đến tháng 8/2018, trong đó có thời điểm cô thi đấu tại Giải vô địch điền kinh châu Á – 2017. Điều này đồng nghĩa 2 tấm HCV giải điền kinh châu Á 2017 (400m và 4 x 400m) của VĐV này cũng như đội Bahrain bị hủy bỏ.

Các cá nhân, đội đứng phía sau là Quách Thị Lan, đội tiếp sức nữ Việt Nam (trong đó có Quách Thị Lan) lần lượt được đôn lên nhận HCV. Chuyện tương tự cũng xảy đến với bộ ba võ sĩ Pencak Silat Việt Nam tại SEA Games 29 năm 2017 là Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Thu Hà. Tại kỳ SEA Games này, bộ ba trên chỉ giành HCB nội dung biểu diễn đội tuyển, xếp sau đội Thái Lan. Nhưng võ sĩ Pencak Silat Nurisan Loseng (Thái Lan) bị phát hiện sử dụng chất cấm khiến đội Thái Lan cũng bị tước HCV ở nội dung đội tuyển nữ. Thế vào vị trí này là đội tuyển nữ Việt Nam…

Đô cử Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên giành HCĐ hạng 56kg ở Olympic 2012 do đối thủ xếp trên bị phát hiện sử dụng doping.

Quan trọng là đừng dính doping

Nguyên Vụ phó Vụ Thể thao Thành tích cao II (Tổng cục TDTT), Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam  Đỗ Đình Kháng kể rằng, các mẫu thử B của VĐV cử tạ Việt Nam tại các kỳ Olympic từ 2008 đến nay cũng đã được Tổ chức phòng, chống doping thế giới (WADA) kiểm tra lại và đều không dương tính với chất cấm. Việc này cho thấy sự kỹ lưỡng về khâu y tế cho VĐV khi thi đấu tại đấu trường Olympic.

Tuy nhiên, hiện tại Tổ chức phòng, chống doping thế giới không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra doping tại các giải đấu mà đã tiến hành kiểm tra doping ở mọi lúc, mọi nơi. Người trong ngành thể thao vẫn kể với nhau về câu chuyện của một VĐV Pakistan khi đi du lịch đến Việt Nam đã phải kiểm tra doping ngay lúc đặt chân đến sân bay quốc tế Nội Bài. Đương nhiên, VĐV Pakistan này phải chấp hành tuyệt đối khi người của Tổ chức phòng, chống doping thế giới đã trình đủ giấy tờ để tiến hành lấy mẫu thử. Điều này đặt ra vấn đề cho các nhà quản lý, HLV, VĐV Việt Nam phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc để chữa bệnh hoặc bổ sung vi chất cho cơ thể.

Ngoài ra, bên cạnh tuyên truyền về việc không sử dụng doping, cập nhật danh sách chất cấm cho các VĐV thì chính cơ quan quản lý thể thao Việt Nam cũng cần sớm có bước đi để hoàn tất phòng xét nghiệm doping, vốn đã được nhắc đến từ hơn chục năm nay. Việc ra đời phòng xét nghiệm này sẽ giảm đáng kể chi phí xét nghiệm doping, bình thường là khoảng 300USSD/mẫu nếu xét nghiệm ở nước ngoài và chỉ khoảng 100 USD/ mẫu nếu được xét nghiệm trong nước. Từ đó, khiến các đơn vị chủ động hơn trong việc xét nghiệm, kể cả xét nghiệm đột xuất, đối với các VĐV.

Điều này sẽ góp phần khiến VĐV phải cẩn trọng hơn trong các quyết định sử dụng thuốc hay dinh dưỡng thể thao của mình để tuyệt đối tránh doping. Tất nhiên, để có một phòng xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ mất cả trăm tỷ đồng. Nhưng nếu điều đó có thể góp phần xây dựng hình ảnh một nền thể thao Việt Nam “sạch”, không có những vụ sử dụng doping có hệ thống thì cũng là việc nên làm.

Rõ ràng, thể thao Việt Nam cũng nhiều lần được đôn lên ngôi vô địch hoặc vị trí cao hơn khi các đối thủ xếp trên bị phát hiện sử dụng chất cấm. Để được như vậy phải bắt nguồn từ nỗ lực, tài năng của VĐV cũng như việc không sử dụng chất cấm trong quá trình thi đấu. Vì thế, cần thêm nhiều giải pháp phòng, chống doping trong làng thể thao Việt Nam để trước mắt, không rơi vào cảnh tréo ngoe là do sử dụng chất cấm (dù vô tình hay hữu ý) nên mất ngôi vị vào đối thủ xếp dưới.

Minh Hà
.
.
.