Đấu kiếm với cơ hội cuối giành vé dự Olympic

Chủ Nhật, 21/03/2021, 10:02
Việc giành vé dự Olympic Tokyo tới thông qua tính điểm xếp hạng thế giới của đấu kiếm Việt Nam đã không thành hiện thực dù đây là việc trong tầm tay. Để đến lúc này, đấu kiếm Việt Nam lại thắc thỏm với cơ hội cuối cùng là vòng đấu tranh vé dự Olympic Tokyo tới của khu vực châu Á vào ngày 27/4 tới tại Uzbekistan.


Rõ ràng, thay vì chọn cách dễ thì đấu kiếm Việt Nam lại vô tình chọn cách khó, đầy chông chênh để chinh phục tấm vé dự Olympic Tokyo tới.

Cơ hội qua tay

Hồi đầu tháng 3 này, HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn vẫn rất hy vọng kiếm thủ Vũ Thành An sẽ có cơ hội tham dự World Cup kiếm chém tại Hungary. 

Theo tính toán của ông Phạm Anh Tuấn, với những giải đấu như World Cup kiếm chém này, lại vắng những tay kiếm đã giành vé dự Olympic Tokyo tới thì kiếm thủ Vũ Thành An hoàn toàn có cơ hội tích thêm điểm để vượt lên vị trí số 2 châu Á nội dung kiếm chém – vị trí đủ giành vé dự Thế vận hội tới. 

Trước giải này, Vũ Thành An đang xếp thứ ba châu Á trên bảng tính điểm xếp hạng xét vé dự Olympic Tokyo tới. Tuy nhiên, chuyến thi đấu tại Hungary của Vũ Thành An đã không diễn ra bởi những lý do khách quan về thủ tục cũng như tình hình dịch COVID-19. Không tham dự giải đồng nghĩa với việc đấu kiếm Việt Nam tự buông cơ hội tham dự Olympic Tokyo tới. Cũng vì vậy mà mục tiêu giành 20 vé tham dự Olympic Tokyo tới của thể thao Việt Nam vẫn chưa thể sớm thành hiện thực.

Kiếm thủ Vũ Thành An chỉ có 10% cơ hội góp mặt ở Olympic Tokyo tới.

Từ cách đây hơn 2 năm, nhà quản lý môn đấu kiếm của Tổng cục TDTT cũng như Ban huấn luyện đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã xác định, giành vé dự Olympic Tokyo 2020 thông qua việc liên tục góp mặt ở các giải đấu tích điểm là dễ hơn cả. Đơn giản vì đấu kiếm Việt Nam có đủ nhân tố con người để đáp ứng mục tiêu này. 

Trong đó, Vũ Thành An (kiếm chém) được tính là nhiều cơ hội nhất khi luôn trong nhóm đầu châu Á. Tất nhiên, để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi VĐV phải tham dự tối đa các giải đấu tích điểm. Đi kèm là vấn đề kinh phí và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục tham dự. 

Thực tế, phía Tổng cục TDTT cũng như Ban huấn luyện đội tuyển, đơn vị chủ quản của VĐV trong diện dự vòng loại Olympic Tokyo cũng hoàn toàn sẵn sàng cho việc này. Theo tính toán, Vũ Thành An cần dự khoảng 8-12 giải đấu quốc tế tính điểm xếp hạng xét vé dự Olympic Tokyo. Từ đó, điểm xếp hạng chung cuộc sẽ được tính dựa trên thành tích tốt nhất tại 5 giải đấu của VĐV.

Nhưng cơ hội thi đấu cứ lần lượt trôi qua với các tay kiếm Việt Nam, đặc biệt là Vũ Thành An. Lúc là do dịch COVID-19, lúc lại do khâu thủ tục tại địa phương… nên Vũ Thành An liên tục lỡ hẹn. Cuối cùng, Vũ Thành An chỉ tham dự vỏn vẹn 4 giải đấu trong hàng chục giải đấu tích điểm xếp hạng xét vé dự Olympic Tokyo tới. 

Như thế, đến việc tối thiểu là dự ít nhất 5 giải đấu để có đủ cơ hội tính điểm xếp hạng ở mức tối thiểu cũng không thể thực hiện. Đấy thực sự là điều đáng tiếc và khó chấp nhận khi cơ hội góp mặt tại Olympic Tokyo đã rõ mồn một nhưng lại dễ dàng bị bỏ lỡ. 

Sau này, nếu đấu kiếm Việt Nam có góp mặt ở Olympic Tokyo thông qua vòng đấu loại trực tiếp khu vực châu Á thì vẫn cần có sự đúc rút, quy trách nhiệm cụ thể về việc để vuột cơ hội dự Olympic Tokyo thông qua thi đấu tại các giải quốc tế có tính điểm xếp hạng xét vé tham dự.

Trong khi đó, nhiều tay kiếm khác trên thế giới đã dự cả chục giải và tích điểm số đáng kể thông qua kết quả tốt nhất của 5 trong số các giải đấu kia. Nhờ đó, họ giành vé dự Olympic Tokyo. Đấy lại là điều đáng tiếc cho đấu kiếm Việt Nam.

Trông vào cơ hội cuối

Theo HLV đội đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, hiện nay đấu kiếm Việt Nam chỉ còn trông vào cuộc đấu cuối tranh vé dự Olympic Tokyo tới  là vòng loại vớt của khu vực châu Á từ 27/4 tới tại Uzbekistan (trước đây dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc). 

Vòng lại này có 6 nội dung cá nhân, VĐV vô địch từng nội dung sẽ giành vé dự Olympic Tokyo tới. 6 gương mặt của đấu kiếm Việt Nam góp mặt tại vòng đấu này là Nguyễn Tiến Nhật, Vũ Thành An, Nguyễn Minh Quang (nam) và Phùng Thị Khánh Linh, Nguyễn Phương Kim, Nguyễn Thu Phương (nữ). 

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cơ hội tranh chấp vé với những tay kiếm được kỳ vọng như Vũ Thành An, Nguyễn Tiến Nhật chỉ khoảng 10% do quy định chỉ VĐV vô địch nội dung giành vé tới Nhật Bản dự Olympic. 

“Kể cả khi Ban tổ chức quy định mỗi nước, vùng, lãnh thổ chỉ được cử 1 VĐV dự một nội dung và những VĐV đã giành vé dự Olympic tới không được dự giải thì sự cạnh tranh vẫn rất khốc liệt” – ông Phạm Anh Tuấn nói.

Riêng nội dung kiếm chém mà Vũ Thành An sẽ tham dự, dù không có các tay kiếm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Iran (đã giành vé dự Olympic tới) thì vẫn có ít nhất 6 VĐV có thể tranh chấp vé với Vũ Thành An đến từ Kazakhstan, Uzbekistan, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan. 

Hiện tại, vấn đề chuyên môn không phải là quá lớn khi Vũ Thành An đã được chuẩn bị tối đa và sẵn sàng vào cuộc. Vấn đề  nằm ở hành trình di chuyển đến Uzbekistan như thế nào, tiến độ thực hiện “hộ chiếu vaccine COVID-19” cho VĐV ra sao bởi nếu tiêm gần ngày lên đường thi đấu thì có thể xảy ra phản ứng phụ, dẫn đến VĐV không được nhập cảnh vào nước đăng cai thi đấu.

Tất cả đều ngoài tầm với của Ban huấn luyện đội tuyển và trông vào các cấp quản lý ở Tổng cục TDTT cũng như ngành khác. Trong khi đó, như chia sẻ của ông Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT), nơi quản lý trực tiếp bộ môn đấu kiếm, thì việc tính toán ngày giờ di chuyển cho các đoàn thi đấu quốc tế cũng là vấn đề gai góc với phía nhà quản lý. 

Thực tế, không phải lúc nào cũng có thể thu xếp ngày giờ về như mong muốn nên hoàn toàn có chuyện sau khi thi đấu, đội tuyển sẽ phải chờ vài ngày mới có chuyến bay về nước. Việc này diễn ra với đội bắn súng khi dự Cúp thế giới tại Ấn Độ khi ngày 30/3, khoảng chục ngày sau khi thi đấu, mới có chuyến bay về Việt Nam. Trong thời gian ấy, đội tuyển vẫn phải được đáp ứng các yêu cầu ăn ở như khi thi đấu và kinh phí sẽ đội lên đáng kể.

Rõ ràng, đấu kiếm Việt Nam đang đối mặt vô số khó khăn khi thực hiện mục tiêu giành 1-2 vé dự Olympic tới chỉ vì đường đi nước bước khó hiểu, khó tin. Việc này bắt nguồn từ cả lý do chủ quan bên cạnh lý do khách quan là dịch COVID-19. Chỉ có một cơ hội cuối nên cần phải nắm bắt bằng được. Nếu không, sẽ để lại những hệ lụy khó lường cho tương lai của môn thể thao từng góp phần khẳng định vị thế hiện nay của thể thao Việt Nam.

Khó tái lập kỳ tích như ở Olympic 2016

Năm 2016, đấu kiếm Việt Nam giành được 4 suất trực tiếp dự Olympic tại Brazil bởi Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung, Đỗ Thị Anh, Nguyễn Thị Như Hoa. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, đấu kiếm Việt Nam khó tái lập thành tích trên và chỉ hy vọng giành 1-2 vé dự Olympic Tokyo tới. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.