Bóng chuyền nam Hà Nội: Bài toán không dễ giải sau thăng hạng

Thứ Ba, 29/10/2019, 08:24
Bóng chuyền nam Hà Nội đã hưởng niềm vui trong những ngày qua khi giành quyền trở lại Giải vô địch quốc gia 2020 sau 10 năm ngụp lặn ở sân chơi hạng A. Nhưng sau niềm vui lại là nỗi lo. Một đội bóng được vận hành hầu như dựa hoàn toàn vào ngân sách đương nhiên cũng có những bài toán cần được giải trong thời gian tới.


Đi qua khoảng lặng

 20 năm trước, những đội bóng chuyền nam, nữ của Hà Nội là Bưu điện Hà Nội thực sự “làm mưa, làm gió” ở sân chơi cao nhất của bóng chuyền quốc gia. Ngoài đội nữ thường xuyên so kè với Bộ Tư lệnh Thông tin thì đội nam cũng là đối trọng đáng kể với các đội bóng Quân đội. Ngay lúc ấy, Bưu điện Hà Nội được xem là hình mẫu của xã hội hóa thể thao khi doanh nghiệp Bưu điện “nuôi” đội bóng trong khi ngành Thể thao Hà Nội cung cấp VĐV cùng một khoản hỗ trợ hằng năm. 

Nhưng khi nền kinh tế nước nhà chuyển mình mạnh mẽ cũng là lúc những doanh nghiệp Nhà nước phải chật vật để tồn tại, thích nghi. Trong điều kiện ấy, ngành Bưu điện Thủ đô không thể tiếp tục đầu tư cho các đội bóng chuyền trong khi các tuyến trẻ của bóng chuyền Hà Nội sa sút. Hệ quả là trong năm 2008, người hâm mộ bóng chuyền Thủ đô nhận “nỗi buồn kép”. 

Bóng chuyền nam, nữ Hà Nội đang có hệ thống đào tạo trẻ hiệu quả.

Cả đội nam Viễn thông Hà Nội (trước đó là Bưu điện Hà Nội) rồi Bưu điện Hà Nội (nữ) cùng xuống hạng A trong thế không thể cứu vãn. Rồi các đội bóng chuyền vang bóng một thời ấy được trả về ngành Thể thao. Ngành Thể thao Hà Nội buộc phải làm lại, bắt đầu từ khâu tuyển chọn, đào tạo ban đầu.

Thực sự, công tác đào tạo của bóng chuyền Hà Nội cũng mang lại kết quả ban đầu khi đội nữ được chuyển giao cho doanh nghiệp Hóa chất Đức Giang. Trong khi đội nam vẫn thuộc quyền quản lý của ngành thể thao Hà Nội và “miệt mài” thi đấu ở hạng A, chờ cơ hội thăng hạng. 

Gần chục năm sau ngày tái thiết đội bóng, đội nam Hà Nội với 3 lứa vận động viên (VĐV) đã gây chú ý. Nhiều đội bóng khác đã đưa ra lời mời với các cầu thủ Hà Nội. 

Tất cả cho thấy chất lượng cầu thủ của bóng chuyền nam Hà Nội. Mùa bóng 2018, đội đã suýt thăng hạng khi vào chung kết. Tuy nhiên, trận thua trước Vật liệu xây dựng Bình Dương ở chung kết đã khiến thầy trò trong đội phải gác giấc mơ thêm 1 năm.

Tại mùa giải hạng A quốc gia năm nay, đội bóng chuyền nam Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) được giao chỉ tiêu vào vòng chung kết. Với thực lực vượt trội nhiều đội khác, bóng chuyền nam Hà Nội đã vào trận chung kết của giải đấu, diễn ra tại Điện Biên, rồi lên ngôi vô địch. 

Dù đối thủ là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch là Công an TP Hồ Chí Minh được đầu tư mạnh mẽ với sự xuất hiện của 2 cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hoàng Thương, Lê Thành Hạc cùng nhà cầm quân nổi tiếng Trần Minh Khang nhưng những cầu thủ “cây nhà lá vườn” của Hà Nội vẫn chứng tỏ được khả năng.

Họ lội ngược dòng, thắng chung cuộc 3-1 (21-25, 25-17, 28-26, 25-14) để lên ngôi vô địch đồng thời giành tấm vé duy nhất của giải đấu để dự Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020 -sân chơi có đẳng cấp cao nhất của bóng chuyền Việt Nam.

Cách đây hơn một tuần, sau khi đội nam Hà Nội giành vé thăng hạng, ông Bùi Đình Lợi – Phụ trách bộ môn bóng chuyền (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) chia sẻ: “Kết quả này phản ánh quyết tâm của toàn thể đội bóng. 

Mùa giải hạng A năm trước, đội đã hụt tấm vé dự Giải vô địch quốc gia 2019. Đến mùa giải này, ban huấn luyện và các cầu thủ đều muốn giành tấm vé thăng hạng để đưa bóng chuyền Hà Nội trở lại vị thế trước đây và đã hoàn thành mục tiêu”.

Trước mắt, bóng chuyền nam Hà Nội đã đi qua khoảng lặng kéo dài đến 10 năm. 10 năm là khoảng thời gian đáng kể cho những nỗ lực vượt khó, làm việc, cống hiến bằng sự tận tâm, danh dự chỉ để lấy lại vị thế cho bóng chuyền Hà Nội.

Có cả niềm vui và nỗi lo

Với một đội bóng đang vận hành nhờ nguồn ngân sách, sân chơi hạng A có vẻ phù hợp. Nhưng ở sân chơi Giải vô địch quốc gia, nơi không thiếu đội bóng được vận hành từ nhiều nguồn tài chính để có thể trả lương, thưởng cao hơn hẳn các đội bóng hoàn toàn dựa vào ngân sách thì câu chuyện “tồn tại và phát triển” đương nhiên được đặt ra với đội nam Hà Nội.

Ngay sau khi đội lên hạng, một loạt vấn đề đã được đặt lên bàn như phải bổ sung cầu thủ chất lượng cao, tìm nguồn tài chính để hỗ trợ cầu thủ, qua đó có thể giữ được những cầu thủ tốt nhất để phục vụ cho mục tiêu trụ hạng ở Giải vô địch quốc gia -2020 trước khi tính đến những mục tiêu cao hơn. 

Chứ như hiện tại, tiền ăn và tiền công tập luyện của cầu thủ trong độ chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng. Riêng tiền công chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/ tháng. Mức này là thấp so với mặt bằng chung ở Giải vô địch quốc gia, khó thu hút cầu thủ giỏi từ nơi khác. Trong khi đó, cầu thủ cũng có những nhu cầu của mình, phải chăm lo cuộc sống, rồi tuổi thọ nghề nghiệp cũng không dài nên cần được đãi ngộ ở mức cao hơn.

Nhưng để tìm được nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho các cầu thủ thì không thể chỉ trông vào nguồn ngân sách. Vấn đề giờ nằm ở việc tìm được những doanh nghiệp có thể đồng hành với đội bóng. Không dễ làm việc này khi hiện tại, hiếm doanh nghiệp đầu tư vào một đội bóng chuyền nam, nhất là đội bóng trên địa bàn Thủ đô. 

Ông Bùi Đình Lợi, Phụ trách bộ môn bóng chuyền (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) khẳng định sẵn sàng “trải thảm”, bàn thảo về cơ chế hoạt động của đội bóng nếu có doanh nghiệp đồng hành. Bản thân người có trách nhiệm của bộ môn cũng sốt sắng đi tìm doanh nghiệp đồng hành với đội bóng để thu hút cầu thủ giỏi và giữ chân những nòng cốt của đội. 

Ông Bùi Đình Lợi hy vọng sẽ sớm tìm được lời giải cho vấn đề này vào cuối năm dù đó là bài toán khó giải. Nếu không, khả năng giữ chân cầu thủ cũng trở nên khó khăn khi một số cầu thủ Hà Nội hiện nay cũng đang được nhiều đội khác quan tâm.

Trở lại hạng đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam thực sự là niềm vui. Nhưng rõ ràng, phải có những bước đi mạnh mẽ, linh hoạt để bóng chuyền Hà Nội kéo dài ngày vui chứ không thể là “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Đội nữ Hà Nội tiếp tục nhận lời mời hợp tác đào tạo

Đội nam Hà Nội là một trong những ví dụ điển hình về việc chăm lo cho hệ thống đào tạo trẻ của đơn vị chủ quản. Trong khi đó, hệ thống đào tạo nữ cũng chứng tỏ giá trị. Ngoài đội hình được chuyển cho Hóa chất Đức Giang thì mới đây, phía đơn vị chủ quản cũng nhận lời mời hợp tác đào tạo trẻ từ chính đơn vị chủ quản đội Hóa chất Đức Giang. Điều này cũng mở ra một hướng đi cho hệ thống đào tạo trẻ của bóng chuyền Hà Nội. (Minh Nhật)

Minh Khuê
.
.
.