Philippines-Indonesia: Mạnh tay với ma túy

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:22
Ngày 12-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh điều tra xung quanh cáo buộc quan chức cảnh sát và quân đội cấp cao nước này có liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy trái phép.


Tổng thống Joko Widodo đưa ra tuyên bố kể trên sau khi nhận được tin từ nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar cho rằng, một số quan chức cấp cao trong cảnh sát và quân đội từng nhận tiền từ Freddy Budiman, một trong những trùm buôn ma túy (đã bị tử hình năm 2014).

Điều đáng nói là tử tù Freddy Budiman đã tiết lộ bí mật kể trên với nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar trước khi hắn bị hành quyết, nhưng việc này cho đến nay mới được thông báo. Tuy chỉ trích ông Haris Azhar giữ bí mật này quá lâu, nhưng Tổng thống Joko Widodo vẫn yêu cầu người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia điều tra, làm rõ tính xác thực của cáo buộc kể trên.

Bởi tiết lộ của nhà hoạt động nhân quyền Haris Azhar đang làm dấy lên những tranh cãi trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Joko Widodo tuyên chiến với ma túy gần 2 năm trước (từ tháng 10-2014) và luôn cam kết thẳng tay trừng trị những kẻ bị kết tội buôn lậu ma túy.

Theo tiết lộ của Freddy Budiman, hắn đã phải nộp tiền cho nhân viên cảnh sát, quân đội và lực lượng chống ma túy để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình. Hơn nửa tháng trước (29-7), bất chấp sức ép quốc tế, Tổng chưởng lý Muhammad Prasetyo vẫn tuyên bố, nước này đã xử bắn 4 tội phạm ma túy (3 người Nigeria và 1 người Indonesia), nhưng hoãn hành quyết 10 tội phạm ma túy khác.

Chị của tử tù Zulfikar Ali người Pakistan từng xin chính phủ Indonesia khoan hồng nhưng bất thành.

Tổng thống Joko Widodo từng nhấn mạnh, ma túy là mối đe dọa nghiêm trọng không kém gì khủng bố - ma túy đang giết chết ít nhất 40 người/ngày tại Indonesia, và đây không phải là lần đầu tiên Jakarta bị phản ứng vì mạnh tay với tội phạm ma túy.

Hơn 1 năm trước (2-5-2015), mặc dù chính phủ Australia, Pháp, Brazil, và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đều phản đối, nhưng Indonesia vẫn tử hình 8 tội phạm ma túy. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Joko Widodo ra lệnh tử hình 6 tội phạm ma túy gần 4 tháng trước.

Trong khi đó, Thị trưởng Urdaneta ở Philippines yêu cầu trục xuất toàn bộ người Hồi giáo sống tại thành phố này để tăng cường truy quét tội phạm ma túy. Tờ Manila Times dẫn tuyên bố của Thị trưởng Amadeo Gregorio Perez - người Hồi giáo ở thành phố Urdaneta có 3 tuần để di dời khỏi nơi sinh sống, và Cảnh sát trưởng Marcelino Desamito được giao nhiệm vụ giám sát tất cả các khách sạn, nhà hàng trong thành phố sau khi có thông tin cho biết, hoạt động buôn bán ma túy trái phép thường diễn ra tại những địa điểm này.

Cơ quan phòng chống ma túy Philippines (PDEA) cho biết, những khu làng bùng phát tệ nạn mua bán ma túy có nhiều người Hồi giáo sinh sống là Poblacion, Pinmaludpud, Camantiles, San Vicente, Bayaoas, Anonas, Dilan Paurido, Nancayasan… Và theo thống kê của cảnh sát, có ít nhất 84% trong số hơn 5.000 người Hồi giáo định cư ở những làng này (từ 12 tuổi trở lên) có liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy. Tuy là thủ đô, nhưng hơn 90% số làng ở Manila có án liên quan tới ma túy.

"Tôi muốn thay đổi", một đối tượng buôn ma túy khét tiếng tại thành phố Cebu đã nói với các phóng viên sau khi đầu thú và gặp Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa. Ông Ronald dela Rosa đã cảnh báo những sĩ quan cảnh sát có tên trong "danh sách đen" - hoặc đối mặt với án tử hình nếu tiếp tục bảo kê cho buôn bán ma túy, hoặc đầu thú.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa cho biết, tất cả cảnh sát bị tố "nhúng chàm" đều bị tước vũ khí và sau khi điều tra, họ có thể đối mặt với cáo buộc hình sự hoặc xử lý hành chính tùy vào chứng cứ thu thập được. Khẩu hiệu "đầu thú hay là chết" đang có tác động mạnh đối với hàng chục nghìn người nghiện ma túy ở Philippines. Không chỉ có người nghiện, mà nhiều người buôn bán, bảo kê, kể cả chính trị gia, Thị trưởng cũng đã đầu thú cảnh sát vì không muốn bị "bắn hạ".

Cảnh báo đối với Thẩm phán Tòa án Tối cao Lourdes Sereno của Tổng thống Philippines - sẽ áp đặt thiết quân luật, được coi là thể hiện quyết tâm chống ma túy đến cùng của ông Rodrigo Duterte. Việc này diễn ra sau khi bà Lourdes Sereno chỉ trích hành động công khai danh tính của 7 thẩm phán bị cáo buộc có liên quan tới ma túy do ông Rodrigo Duterte đưa tin.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cũng đã ra lệnh điều tra đối với 4 thẩm phán bị Tổng thống Rodrigo Duterte công khai cáo buộc liên quan tới buôn bán ma túy và sẽ có báo cáo trong vòng 30 ngày tới. Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte còn bêu tên của 160 quan chức bị cáo buộc dính dáng tới ma túy. Theo thống kê, đã có khoảng 60.000 người nghiện ma túy ra đầu thú sau khi chứng kiến quyết tâm của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.