Hà Lan:

Nhiều người xếp hàng mua… cần sa trước lệnh đóng cửa

Thứ Ba, 17/03/2020, 15:21
Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 15/3, Chính phủ Hà Lan đã ra lệnh đóng cửa các quán cà phê cần sa và nhà thổ từ 18 giờ cùng ngày. Ngay sau lệnh này, nhiều người đã rồng rắn xếp hàng trước các quán café mua cần xa tích trữ.


"Bạn tôi vừa gọi cho tôi cách đây 5 phút, anh ấy xem họp báo. Vì vậy tôi phải mua tích trữ vì có thể hai tháng tới, chúng tôi không mua được cần sa, vì thế tốt hơn cả là nên trữ một ít ở nhà", Jonathan, một khách hàng, cho biết khi xếp hàng trước quán cà phê The Point ở thành phố The Hague.

"Tôi mua một ít cần sa vì có thể sẽ ở nhà khá lâu. Tôi đã xem cuộc họp báo với bạn cùng phòng, sau đó lao đi mua cần sa và thấy khoảng 30 người đang xếp hàng, mọi người cũng đang lái xe đến đây", Hannah, một phụ nữ người Ireland, xếp hàng ở The Hague, nói

Cũng như Jonathan và Hannah, rất nhiều người ngay sau khi biết tin đã lập túc đi mua cần sa. Hàng người đông lên chỉ ít phút sau khi các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan tổ chức họp báo trên truyền hình, tuyên bố đóng cửa các trường học, quán bar, nhà hàng và nhiều tụ điểm kinh doanh khác. 

Các nhân viên phải lập quầy thanh toán bằng tiền mặt và thẻ riêng khi khách hàng vội vã đặt những loại cần sa có tên kỳ quặc như "Bác sĩ", "Bong bóng", "Sương mù tím".  Những dòng người cũng nối dài ở thành phố Roermond, gần biên giới với Đức, giữa lo ngại Chính phủ Đức sẽ đóng biên giới với Hà Lan sau khi thắt chặt kiểm soát những người đến từ Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxemburg và Đan Mạch từ hôm 16/3.

Việc nhiều người xếp hàng mua cần sa diễn ra bất chấp Bộ trưởng Y tế Hà Lan Bruno Bruins "khẩn thiết kêu gọi" người dân không đổ xô tích trữ đồ vì đây là việc không cần thiết.

Cần sa (tên Latinh: Cannabis, Marijuana; cỏ hay gai dầu), là một chi thực vật có hoa được sử dụng như chất gây ảo giác, chất kích thích hoặc dùng làm thuốc; được phát hiện trồng tại Ấn Độ cách đây khoảng 2000 năm. Đến nay, số quốc gia thông báo phát hiện trồng cần sa lên đến trên 130 nước, trong đó, khu vực trồng cần sa tập trung chủ yếu ở các nước Afghanistan, Tam giác vàng (Myanmar, Thái Lan, Lào) và Bắc Mỹ.

Dòng người xếp hàng trước một tiệm cần sa ở thành phố The Hague, Hà Lan hôm 15/3.

Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của cần sa như giảm đau, ngăn nôn mửa, kích thích đói, làm giãn phế quản (trong bệnh hen), chống co thắt (trong bệnh Parkinson và xơ mảng), giãn mạch (trong bệnh tăng nhãn áp). 

Tuy nhiên, những tác hại trước mắt và lâu dài về loại ma túy này là khá nghiêm trọng. Bởi vì thành phẩn chủ yếu trong cây cần sa là chất Tetrahydrocannabinol, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương của con người. 

Nếu sử dụng chúng quá liều sẽ gây ra các tác hại nghiê trọng vì cần sa tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ảo giác nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dẫn đến các hành vi như chém giết người khác hoặc tự làm đau bản thân hoặc tự tử.

Tính chất gây nghiện của cần sa cũng giống như heroin, người sử dụng càng ngày càng muốn tăng liều. Theo các nghiên cứu mới đây, chất THC làm cho những hoạt động trong vùng hippocampus của não bị đình trệ, làm chậm sự hoạt động của ký ức. Khi khả năng lưu trữ ký ức bị chậm lại, não bộ sẽ lưu trữ thông tin đang được tiếp nhận ít hơn. 

Chất THC có trong cây cần sa làm cho hệ thống dopamine trong cơ thể người hoạt động mạnh, điều này tạo cho cơ thể cảm giác hưng phấn, bồn chồn… Sự hưng phấn này làm cho cơ thể người sử dụng xuất hiện những rối loạn về thời gian phản ứng, về sự phối hợp giữa các hoạt động cơ học và cảm xúc về thị giác.

Người dùng cần sa bị suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Theo một số nghiên cứu mới đây cho thấy, trong cần sa có nhiều chất gây ung thư hơn thuốc lá tới 50-60% (một điếu cần sa có thể gây nguy hại cho phổi bằng hút 5 điếu thuốc lá liên tục); cần sa không có đầu lọc, đồng thời người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi. 

Tuy hút cần sa ngắn hạn gây ra sự tăng độ giãn nở của phổi, giảm co thắt cuống phổi ở người bệnh suyễn nhưng hút cần sa lâu dài lại gây ra những rối loạn về chức năng phổi. Dùng cần sa thường xuyên có thể  gây ra các bệnh nghẽn phổi như sơ tế bào gian bào phổi.

Đặc biệt, các chất trong cần sa làm thay đổi cấu trúc tinh trùng ở nam giới (do giảm testosterone) và làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Phụ nữ hút cần sa có nguy cơ sinh con dị tật hoặc đẻ non, thiếu cân và xuất hiện những bất thường: con thiếu năng động, thiếu khả năng tập trung; khó hòa nhập cuộc sống và giảm các chỉ số IQ.

Theo luật pháp Hà Lan, không ai được trồng nhiều hơn 5 cây cần sa vì mục đích giải khuây. Nhưng nghịch lý là, các cửa hàng cà phê nổi tiếng ở Thủ đô Amsterdam hoặc thành phố Rotterdam lại được cấp phép bán một lượng nhỏ cần sa cho người trên 18 tuổi. Điều này được ông Vera Bergkamp - Nghị sĩ của Đảng D66 ví von: "Hiện giờ bạn được phép mua sữa nhưng không thể biết bất cứ điều gì về con bò".

Các quán cà phê cần xa trở thành một thứ "đặc sản" ở Hà Lan. Khách hàng ở các độ tuổi khác nhau tới đây nhâm nhi ly cà phê hoặc chơi bài, thường là hàng giờ. Nhưng các quán đông khách một phần cũng vì mùi cần sa quyến rũ.
Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.