"Đập đá"- nhìn từ cơ sở cai nghiện
PV Báo CSTC đã ghi nhận thực tế từ Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hà Nội để lý giải về sức hút chết người mang tên ma túy "đá".
"Đập đá" nhìn từ cơ sở cai nghiện
Hiểm họa ma túy tổng hợp nói chung và ma túy "đá" nói riêng đang trở thành hiểm họa tấn công giới trẻ. Những cuộc ăn chơi thác loạn với sự xuất hiện của ma túy "đá" - ma túy tổng hợp dưới dạng tinh thể đã khiến nhiều dân chơi, tương lai bị hủy hoại. PV chuyên CSTC đã ghi nhận thực tế từ Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thành phố Hà Nội để lý giải về sức hút chết người mang tên ma túy "đá".
Lực lượng chức năng cùng người dân khống chế một trường hợp bị "ngáo đá" có hành vi mất kiểm soát. |
Gia tăng dân "đập đá" điều trị
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 là nơi chuyên điều trị, cai nghiện cho người sử dụng ma túy, ma túy tổng hợp có nhu cầu cai nghiện, ổn định tâm lý. Tôi đến đây đúng vào thời điểm cô giáo Hoàng Thị Khánh, cán bộ Phòng Điều trị nội trú của cơ sở đang truyền đạt những nội dung liên quan đến Luật Phòng, chống ma túy cũng như tác hại do ma túy gây ra. Ngồi trong lớp học là những học viên vốn là những dân chơi một thời bị ma túy lôi cuốn. Tham gia lớp học có 18 học viên với độ tuổi chủ yếu dưới 30.
Cô giáo Hoàng Thị Khánh cho biết, việc lên lớp phổ biến kiến thức pháp luật, truyền đạt thông tin liên quan đến tác hại của ma túy là công việc thường xuyên của cô và các cán bộ đang công tác tại Phòng Điều trị nội trú.
So với những năm trước đây, số học viên nghiện ma túy "đá" vào cơ sở điều trị, cai nghiện tăng lên đáng kể. Việc truyền đạt kiến thức tới các học viên nghiện ma túy tổng hợp, ma túy "đá" gặp rất nhiều khó khăn. Bởi những trường hợp này thường xuyên bị ảo giác, ảo thanh, ảo thị, tâm lý hoang mang, cán bộ giảng dạy phải truyền đạt đi, truyền đạt lại.
Đứng bên ngoài lớp học quan sát, tôi thấy trong số 18 học viên đang nghe giảng, có nhiều trường hợp mang khuôn mặt đờ đẫn, mắt láo liên. Kiến thức mà cô giáo Khánh truyền đạt dường như chỉ là "lời nói gió bay".
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Điều trị nội trú cho biết, việc lên lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, truyền đạt các nội dung về tác hại do ma túy, trong đó có ma túy "đá" gây ra là một trong những chương trình thuộc phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy, ổn định tâm lý ở cơ sở.
Do ma túy "đá" kích thích mạnh vào hệ thần kinh, khiến người sử dụng bị ảo giác, biến chứng thần kinh nên nhiều trường hợp sau khi "gật gù" nghe giảng bài xong, chỉ ngày hôm sau lại quên hết. Dẫu vậy, với mục đích để các học viên hiểu được tác hại do ma túy gây ra, những cán bộ làm công tác giáo dục, tuyên truyền vẫn miệt mài hằng ngày lên lớp.
Có đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 vào những ngày này mới thấy hết sự vất vả của các cán bộ, nhân viên đang ngày đêm làm công tác chăm sóc, điều trị, cai nghiện cho những dân chơi bị ma túy lôi cuốn.
Theo thống kê của Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, hiện cơ sở có hơn 200 học viên cai nghiện tự nguyện. Trong số này, có tới gần 60% là những trường hợp nghiện ma túy tổng hợp dạng "đá".
Ông Đỗ Trọng - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 tỏ ra lo lắng, khi thời gian trở lại đây, số người nghiện ma túy "đá" tăng đột biến so với thời điểm trước đây. Nếu như năm 2015 tỷ lệ người nghiện ma túy "đá" vào cơ sở điều trị chiếm 43,3% thì trong 6 tháng đầu năm 2018, số người nghiện ma túy "đá" tự nguyện đến cơ sở cai nghiện đã chiếm tới 57,3% tổng số người nghiện ma túy điều trị tại cơ sở. Xu hướng người nghiện ma túy "đá" đang có chiều hướng trẻ hóa. Độ tuổi chủ yếu dao động từ 18 đến 30 tuổi.
Học viên D.B.T (bên phải) tiếp xúc với PV CSTC và cho biết, bản thân mình sau khi sử dụng MTTH thường xuyên bị ảo giác, ảo thanh. |
Lời kể lạnh người của dân chơi "không khói"
Được sự tạo điều kiện của các cán bộ, giáo viên của cơ sở, tôi có dịp tiếp xúc và cận cảnh dân "đập đá" đang điều trị ở đây. D.B.T., 21 tuổi, ở quận Đống Đa (Hà Nội) vốn có năng khiếu chơi tennis từ nhỏ.
Năm 14 tuổi, T. được nhận vào học tại một cơ sở chuyên đào tạo các môn thể dục - thể thao. Năm 2012, trong một lần đi sinh nhật, nhóm bạn "mời" T thử dùng ma túy "đá". "Lúc đó, bạn em có bảo "đập đá" (sử dụng ma túy "đá") sẽ không bị nghiện như heroin, nên em tặc lưỡi… và rồi nào có ngờ", T bảo.
Sau lần đó, số lần "đập đá" cứ thể tăng dần lên, những buổi lên lớp nghe thầy cô giảng bài thưa dần. T. nghiện "đập đá" lúc nào không hay. Hễ có tiền và thấy chúng bạn rủ đi thác loạn là y như rằng, T. lại làm bạn với "đá", với những cuộc chơi mất người.
Do nghiện "đập đá" nên T. sau đó phải nghỉ học. Những vụ va chạm, gây gổ đánh nhau theo đó xuất hiện ngày một nhiều. T chia sẻ, tất cả là do "ngáo đá", là do ảo giác gây ra nên T luôn nghĩ có người muốn hãm hại mình. Những lúc như vậy, T. thường có hành vi mất kiểm soát như: Chửi bới, đuổi đánh người xung quanh v.v...
Cùng với hành vi mất kiểm soát này, hiện tượng ảo thanh, ảo thị cứ thế xuất hiện ngày một tăng mức độ. Thấy T như người mất hồn, cách đây hơn 2 tháng, gia đình đã tá hỏa và đưa T. cơ sở để cán bộ cắt cơn nghiện, ngăn ngừa sự vụ đáng tiếc xảy ra.
Còn với Đ.V.Đ, 22 tuổi, nhà ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) thì gần 1 tháng cai nghiện tự nguyện ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 dường như chưa đủ để Đ tỉnh táo hoàn toàn. ""Đá" nó làm em ngơ ngơ thế này đây. Thỉnh thoảng em lại nghe thấy tiếng vo vo trong đầu. Oải lắm anh ạ!", Đ. bảo. Đ bập vào ma túy "đá" từ năm mới 17 tuổi. Ma túy "đá" khiến T. bỏ học và đi theo làn khói ảo mang tên ma túy "đá".
Từ một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát, T. dần như người mất hồn. Nhiều lần ra đường, do "ngáo đá", thấy có người nhìn mình là y như rằng Đ. xuất hiện ý nghĩ: "Người đang nhìn mình chính là kẻ thù, là người đang muốn hãm hại mình", rồi có những hành vi không kiểm soát như đe dọa, đuổi đánh người đó.
Đ. kể cho tôi nghe lần "ngáo đá" vào cuối tháng 10-2015. Hôm ấy, sau khi "đập đá", Đ. đến nhà bố vợ chơi ở phố Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, Đ. có gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi hỏi đường đi về phố Huế. Ít phút sau thấy người đàn ông này đứng ở đường, không đi theo hướng đường mà mình chỉ, Đ. cho rằng, đây chính là người đang theo dõi và có ý hãm hãi mình. Ngay lập tức, không nói không rằng, Đ. cầm thanh sắt đuổi đánh người đàn ông này. Hậu quả, người đàn ông phải viện với nhiều vết thương.
Trò chuyện với Đ., tôi còn được biết, cũng chính vì "ngáo đá" mà vợ Đ đã nộp đơn ra tòa xin ly dị. "Mỗi lần bị ảo giác, em lại đánh đập vợ em vô cớ. Vợ em không chịu được và bỏ em cũng phải thôi. Giờ hai con em đang được ông bà nội chăm sóc. "Đá" khiến em giờ "bễ" như thế này đây!", Đ. nói trong dằn vặt.
Một giờ lên lớp của các học viên ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5. |
Hãy dừng lại khi chưa muộn
Khác với ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện…), trong những năm qua, ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy "đá" đã, đang trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong các cuộc ăn chơi, thác loạn của một bộ phận dân chơi là giới trẻ. Dân chơi dạng này tìm đến ma túy "đá" như để khẳng định độ chơi của mình mà không hay biết hậu quả đi kèm với nó là rất khôn lường.
Theo ông Đỗ Trọng, nghiện ma túy là một bệnh mãn tính. Việc chống tái nghiện cho người sử dụng ma túy là cả một quá trình, nhất là đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Hiện chưa có loại thuốc nào uống vào là hết nghiện, là không tái nghiện, mà chỉ có thuốc điều trị giảm "hội chứng cai" (tập hợp triệu chứng của người thiếu ma túy).
Nhiều người cho rằng, sử dụng ma túy "đá" một vài lần sẽ không bị nghiện, không gây tác hại đến sức khỏe, đến hệ thần kinh như ma túy truyền thống là hoàn toàn sai lầm. Vì, hễ sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có ma túy "đá", người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc. Hệ thần kinh theo đó bị tàn phá, rất dễ bị rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh.
Hiện tượng ảo giác, ảo thanh này xuất hiện bất cứ lúc nào, không cứ là sau hay trước khi sử dụng ma túy "đá". Nhiều trường hợp nghiện ma túy "đá" đang sinh hoạt bình thường, bỗng dưng lẩm bẩm, nói năng linh tinh, thậm chí có những hành động không giống ai (leo lên cột điện, tấn công người xung quanh, chui xuống cống v.v..).
Chính những biểu hiện không giống ai này mà trong quá trình điều trị cho người nghiện ma túy "đá", các cán bộ của cơ sở phải luôn giám sát chặt chẽ, tập trung cao độ trong quá trình quản lý, điều trị.
"Để tránh những hậu quả khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội, mọi người cần tránh xa ma túy nói chung và ma túy "đá" nói riêng. Những ai đã và đang bị ma túy "đá" lôi cuốn sớm quay đầu là bờ, từ bỏ ma túy. Có như vậy, tương lai mới không bị mờ mịt", ông Đỗ Trọng nhấn mạnh.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, MTTH hủy hoại thần kinh mạnh, nó làm cho con người ta bị ảo giác, mất kiểm soát hành vi. Khi bị "ngáo đá", phê thuốc, nhận thức xã hội, đạo đức nhân cách bị lệch chuẩn, chỉ cần một chút bức xúc, xung đột về tâm lý, nhu cầu không được thỏa mãn, người sử dụng MTTH sẽ có những hành động không kiểm soát, mất nhân tính. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều vụ án nghiêm trọng, thậm chí cả sát hại người thân xảy ra trong thời gian qua. |