Bolivia – diện tích cây côca tăng nhanh
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), năm 2019 diện tích trồng cây côca tại Bolivia đã tăng 10% so với năm 2018. Diện tích gieo trồng cây côca đã tăng thêm 2.400 hec-ta, từ 23.100 hec-ta năm 2018 lên 25.500 hec-ta trong năm 2019. Các khu vực Yungas thuộc La Paz chiếm 64%, vùng nhiệt đới Cochabamba (tính cả diện tích trồng ở Santa Cruz và Beni) chiếm 34% và phía Bắc La Paz chiếm 2% diện tích trồng cây côca trên cả nước.
Kết hợp việc sử dụng hình ảnh vệ tinh cùng với thông tin thu được ngoài thực địa, UNODC đã phát hiện việc gia tăng diện tích trồng cây côca tại cả 3 khu vực: vùng Yungas thuộc La Paz tăng 9%, lên tới 16.296 hec-ta; vùng nhiệt đới Cochabamba tăng 13%, lên tới 8.769 hec-ta; trong khi đó vùng Bắc La Paz, diện tích trồng côca tăng 44%, đạt tới 468 hec-ta.
Ở vùng Yungas thuộc La Paz thì diện tích trồng cây côca tăng nhiều nhất là ở Sud Yungas, tăng thêm 597 ha, đã lên tới 10.374 ha trồng cây côca vào năm 2019. Ở vùng nhiệt đới Cochabamba, tỉnh Carrasco tăng thêm 720 ha trồng cây côca, đạt tổng 3.842 ha trồng cây côca trong năm 2019.
Nông dân Bolivia làm cỏ trên cánh đồng trồng cây côca ở thung lũng Yungas, phía bắc La Paz. |
Chính phủ Bolivia đã báo cáo về việc giảm diện tích xóa bỏ được cây côca trong giai đoạn từ 2018 đến 2019, từ 11.174 xuống 9.205 ha. Năm 2019, 79% diện tích xóa bỏ cây côca được xác định ở vùng nhiệt đới Cochabamba, 16% ở vùng Yungas và phía Bắc La Paz, 5% ở các khu vực thuộc Santa Cruz và Beni.
Báo cáo cũng cho thấy việc trồng cây côca ở 6 trong số 22 khu vực được bảo vệ cấp quốc gia. Tại các khu vực này, đã phát hiện tổng 315 hec-ta được trồng cây côca tại 3 khu vực gieo trồng. Công viên quốc gia bị trồng nhiều nhất là Madidi, sau đó là Amboró, Apolobamba và Cotapata; chỉ có một công viên quốc gia cho thấy giảm diện tích trồng cây côca là Carrasco. Ngoài ra, 1.843 ha được gieo trồng cây côca được phát hiện tại các vùng đất nông nghiệp thuộc các Công viên quốc gia Isiboro Secure và Carrasco.
Những con số này là các phát hiện chính trong Báo cáo về kiểm soát việc trồng cây côca tại Bolivia do UNODC hỗ trợ nhằm triển khai Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược đấu tranh chống buôn bán ma túy và giảm việc gieo trồng cây côca của Nhà nước Đa dân tộc Bolivia. Theo dữ liệu của Chính phủ Bolivia, khối lượng lá côca được bán vào hai thị trường chính (Villa Fatima thuộc La Paz và Sacaba thuộc Cochabamba) là 23.877 tấn vào năm 2019. 90% lá côca được buôn bán hợp pháp tới từ chợ Villa Fatima, trong khi 10% còn lại tới từ chợ Sacaba. Năm 2019, giá bình quân lá côca bán tại thị trường hợp pháp là 12,5 đô la Mỹ/kg.
Ông Thierry Rostan, đại diện UNODC tại Bolivia đã nhấn mạnh một số khuyến nghị nhằm cải thiện việc kiểm soát việc trồng cây côca, bao gồm: (i) Cần phải tăng cường các biện pháp kiểm soát để tránh việc mở rộng diện tích trồng cây côca sang các vùng không được pháp như khu vực xung quanh tỉnh Ayopaya thuộc vùng Cochabamba và các tỉnh Sud Yungas, Inquisivi thuộc vùng La Paz; (ii) Tiếp tục tăng cường việc xóa bỏ cây côca, giao cộng đồng kiểm soát việc gieo trồng hợp pháp và giảm thiểu các ảnh hưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế bên trong các khu vực trồng cây côca để tránh việc mở rộng thêm diện tích gieo trồng.
Theo ước tính của Mỹ, Bolivia là nước sản xuất côcain lớn thứ ba thế giới, số người sử dụng côcain ở Mỹ ước tính khoảng 1,9 triệu người, tăng khoảng 27% trong 5 năm qua. Vì vậy, Mỹ luôn tìm cách để ngăn chặn dòng chảy côcain từ Bolivia vào Mỹ bằng mọi cách nhưng chưa hiệu quả.
Vào năm 1961, Liên hợp quốc đã liệt kê lá côca là một dạng chất ma túy. Tuy nhiên, đối với người dân Bolivia, lá côca được coi là linh thiêng đối với văn hóa bản địa và là một vị thuốc trong xã hội hiện đại, họ cho rằng tuyên bố của LHQ là một sự sỉ nhục đối với họ. Tuyên bố của LHQ đã làm dấy lên sự giận dữ và gây ra hoàng loạt cuộc biểu tình trên đường phố tại Bolivia, đặc biệt là trong cộng đồng người dân bản địa. Đối với họ, cây côca chính là nền tảng cho nền văn hóa kéo dài 3.000 năm của dân tộc, là một phần của cuộc sống giống như cà phê đối với dân Mỹ. La Paz - thủ đô của Bolivia - có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới có bảo tàng dành riêng cho cây côca. Từ nông thôn cho đến những khách sạn sang trọng ở thành phố, người ta nhai côca hoặc pha thành trà để xoa dịu cái đói hay sự kiệt sức, hoặc để chống lại cảm giác mệt mỏi mà cuộc sống trên cao ở dãy Andes gây nên.
Augustine Calicho, 45 tuổi, đang nhặt hạt ra khỏi lá côca khô ở vùng Chapare. |
Tuy nhiên, cây côca đã hủy hoại cuộc sống của hàng chục triệu người trên khắp hành tinh. Hoạt động tiêu thụ côcain và nghiện ma túy đang lan tràn khắp các khu vực phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu. Trong thập kỷ vừa qua, nước Mỹ đã dành 5 tỷ USD để giúp Colombia xóa sổ hoàn toàn cây côca, Washington và Liên Hợp Quốc cũng muốn Bolivia và Peru phải cắt giảm số vụ mùa côca xuống mức tối thiểu chỉ đủ để phục vụ nhu cầu truyền thống mà thôi. Peru và Bolivia là hai nước sản xuất côca lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Vị trí đầu tiên thuộc về Colombia với khoảng hơn 75.000 hecta canh tác, chiếm gần một nửa nguồn cung trên toàn thế giới.
Cây côca đã được trồng ở các khu vực có độ cao trùng bình ở dãy Andes thuộc Bolivia từ thời đế quốc Inca, việc gieo trồng được mở rộng cơ bản vào những năm 1980 lan sang khu vực Cochabamba và một phần sản phẩm của họ được đưa vào thị trường côcain quốc tế. Hoa Kỳ đã ủng hộ các nỗ lực hình sự hóa và xóa bỏ cây côca trong cuộc chiến chống ma túy ở đây, nhiều cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra giữa Cảnh sát chống ma túy và các lực lượng vũ trang Bolivia từ 1987 đến 2003.
Những người trồng cây côca trở thành một lực lượng chính trị vô cùng quan trọng trong giai đoạn này, họ đã đồng sáng lập "Phong trào ủng hộ Chủ nghĩa xã hội - Công cụ chính trị vì quyền lợi của Đảng Nhân dân. Những người trồng cây côca cũng ủng hộ các chính sách "kiểm soát xã hội" đối với việc trồng cây côca, duy trì diện tích trồng tối đa để đối trọng với chính sách chống ma túy.
Năm 2005, lãnh đạo Liên đoàn những người trồng cây côca, ông Evo Morales, đã được bầu làm Tổng thống Bolivia (đã từ chức ngày 10/11/2019). Ông đã theo đuổi chính sách kết hợp giữa hợp pháp hóa việc trồng cây côca ở Chapare và Yungas và xóa bỏ việc trồng côca tại các khu vực khác.